FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả, chiếm lần lượt hơn 70% tổng nguồn vốn. Năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp.
Chủ nợ lớn nhất của FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đứng thứ 2, đã cho FLC vay khoảng 1.747 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Sacombank và BIDV, khoản nợ của FLC chiếm lần lượt 0,48% và 0,12% tổng dư nợ.
Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho FLC vay gần 1.400 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) hơn 634 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) gần 170 tỷ đồng và các ngân hàng khác hơn 273 tỷ đồng… FLC còn có khoản nợ thuê tài chính dài hạn hơn 4,6 tỷ đồng tại Công ty Cho thuê tài chính ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Song song đó, FLC còn lượng trái phiếu phát hành cho OCB và NCB với trị giá hơn 868 tỷ đồng…
Sau khi ông Quyết bị bắt. Đại diện Sacombank cho biết, theo nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc OCB cho biết, tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp.
Quan điểm của ngân hàng luôn là: Bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chính, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung. Nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là tin xấu, song hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.