Cho FLC vay nghìn tỷ, các ngân hàng 'cầm' tài sản đảm bảo là gì?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sau khi ông Quyết bị bắt, các nhà băng lần lượt lên tiếng về khoản vay của CTCP Tập đoàn FLC. Theo báo cáo tài chính hợp nhất mới nhất của FLC, tổng nợ vay ngân hàng tính đến 31/12/2021 vào khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả.

Chủ nợ lớn nhất của FLC tại thời điểm ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - STB), với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV – BID) đứng thứ 2, đã cho FLC vay khoảng 1.747 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của Sacombank và BIDV, khoản nợ của FLC chiếm lần lượt 0,48% và 0,12% tổng dư nợ. So với vốn chủ sở hữu, khoản nợ này chiếm lần lượt 5,4% và 2%.

Ngoài ra, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cho FLC vay gần 1.400 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB) hơn 634 tỷ đồng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) gần 170 tỷ đồng và các ngân hàng khác hơn 273 tỷ đồng… FLC còn có khoản nợ thuê tài chính dài hạn hơn 4,6 tỷ đồng tại Công ty cho thuê tài chính ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam. Song song đó, FLC còn lượng trái phiếu phát hành cho OCB và NCB với trị giá hơn 868 tỷ đồng…

Đại diện Sacombank cho biết, theo nguyên tắc thông thường trong hoạt động cấp tín dụng đối với các khoản vay có tài sản đảm bảo, trường hợp có phát sinh rủi ro, ngân hàng sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho biết, tổng số tài sản thế chấp bằng cổ phần BAV (Bamboo Airways) mà OCB nhận về đảm bảo cho khoản vay chỉ khoảng 100 tỷ đồng - chủ yếu bổ sung thêm tài sản đảm bảo cho khoản vay vốn lưu động và làm tăng trách nhiệm ràng buộc của doanh nghiệp.

Cũng theo ông Tùng, quan điểm của ngân hàng luôn luôn là: bất động sản luôn là tài sản đảm bảo chủ chốt, cổ phần chỉ là tài sản bổ sung. Nếu có rủi ro xảy ra, chỉ riêng xử lý tài sản đảm bảo là ngân hàng đã đảm bảo khả năng thu hồi nợ. Mặc dù lãnh đạo chủ chốt của doanh nghiệp bị bắt là tin xấu, song hoạt động của FLC hiện đang khá ổn, giai đoạn khó khăn nhất đã qua.

Đại diện NCB cho biết, các khoản cấp tín dụng của NCB cho FLC đều có tài sản bảo đảm. Trong trường hợp có phát sinh rủi ro, NCB sẽ chủ động áp dụng các biện pháp xử lý tài sản bảo đảm theo quy định pháp luật để thu hồi nợ, đảm bảo an toàn cho hoạt động của NCB.

Phía NCB nhận định, giai đoạn khó khăn nhất đã qua, các hoạt động du lịch và hàng không đều đã dần khởi sắc, hoạt động kinh doanh trở lại bình thường; doanh nghiệp có nguồn thu và dòng tiền để tự tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh và thực hiện các nghĩa vụ với ngân hàng.

Vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Nghị quyết số 11. Trong đó, NHNN yêu cầu các ngân hàng không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG