> Ngân hàng nhà nước mở phiên đấu thầu vàng lần 69
>Tháng 10 huy động hơn 18.000 tỷ đồng trái phiếu
Hạ hết mức để “câu” khách
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện nhiều ngân hàng thuộc tốp 2, tốp 3 cho biết sẽ công bố tình hình sức khỏe của mình trong vài tuần tới. Có đại diện ngân hàng khẳng định đã gửi báo cáo tài chính tới Ủy ban Chứng khoán và các sở giao dịch.
Tuy nhiên, đề cập tới mức lỗ lãi cụ thể thì đa số nói không nhớ với lý do nhiều số liệu quá. Thậm chí khả năng hoàn thành kế hoạch năm đến đâu vẫn là câu hỏi lớn. Đại diện một số ngân hàng khẳng định, cổ tức năm nay sẽ rất thấp, thậm chí có thể còn thấp hơn cả tiền lãi gửi tiết kiệm hiện hành.
“Ước chừng năm nay ngân hàng sẽ chỉ đạt trên 2/3 chỉ tiêu kế hoạch đề ra” - Phó tổng giám đốc 1 ngân hàng nói. |
Để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng đề ra cũng như nhằm tự cứu mình khỏi gánh nặng trả lãi cho khách hàng gửi tiền, nhiều ngân hàng đã tung ra đủ chiêu “câu” khách vay tiền với lãi suất ưu đãi. Một số ngân hàng chấp nhận mức giảm chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động xuống mức thấp chưa từng thấy (dưới 3% để kéo khách hàng).
Phó tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 tỷ đồng, trụ sở tại khu vực phía Nam cho biết, tín dụng tính đến hết năm chắc chắn sẽ không đạt được mức 10% do thị trường còn có quá nhiều khó khăn.
“Các chương trình khuyến mại, giảm lãi suất cho vay, kích cầu tiêu dùng cá nhân cũng được đẩy mạnh, nhưng vẫn không đủ bù đắp cho các khoản trích lập dự phòng rủi ro (cũng như trả lãi tiền gửi cho người gửi tiền). Ước chừng năm nay ngân hàng sẽ chỉ đạt trên 2/3 chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, vị này hé lộ.
Ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB cho biết đang nỗ lực để đạt mục tiêu lợi nhuận đề ra của năm nay. Tuy nhiên, sẽ rất khó. “Ngân hàng thời gian qua tập trung nhiều vào việc thu hồi công nợ. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng những tháng qua rất yếu”, ông Toại nói.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh (Vụ trưởng Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước), mặc dù tín dụng đã có sự tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, nhưng so với mục tiêu tăng trưởng năm 2013 vẫn còn nhiều thách thức.
Cho dù theo thông lệ, càng về cuối năm tín dụng càng tăng trưởng nhanh. Để bảo đảm chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, trong thời gian còn lại của năm, mỗi tháng giải ngân tín dụng phải tăng khoảng 1,5%, tương đương gần 40.000 tỷ đồng. Đây là việc không đơn giản, trong bối cảnh khơi thông dòng vốn vẫn đang hết sức khó khăn.
Những đốm sáng hiếm hoi
Trong “bức tranh” ngân hàng nhiều màu xám, vẫn có một số đốm sáng. Sớm công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, lợi nhuận sau thuế trong quý đạt 508,7 tỷ đồng, tăng 23,6% so với cùng kỳ. Tính chung 9 tháng, ngân hàng lãi sau thuế gần 1.700 tỷ đồng.
Cũng có mặt trong nhóm các ngân hàng tương đối ung dung nhờ tình hình kinh doanh khả quan, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trong quý III có mức lãi sau thuế hơn 1.100 tỷ đồng, tăng gấp 3 so với cùng kỳ năm 2012. Lũy kế sau 9 tháng, ngân hàng lãi sau thuế tổng cộng 3.115 tỷ đồng, tăng 48% so với cùng kỳ. Tuy thế, ngân hàng này vẫn đang có hơn 8.700 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó có hơn 2.600 tỷ là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5).
Báo cáo kết quả kinh doanh của Ngân hàng Đông Á cũng cho thấy, sau khi trừ thuế, nhà băng này chỉ còn gần 400 tỷ đồng lợi nhuận, giảm 55% so với cùng kỳ. Lợi nhuận của ngân hàng giảm mạnh do tín dụng chỉ tăng trưởng trên 1%. Ngân hàng này phải trích lập gần 500 tỷ đồng dự phòng để xử lý nợ xấu. Tính đến ngày 30/9, nợ xấu của DongA Bank hơn 1.500 tỷ đồng, chiếm 2,93% dư nợ. Trong đó, khoảng gần 600 tỷ đồng là nợ có khả năng mất vốn.
Thuộc nhóm cac ngân hàng tốp dưới đầu tiên công bố tình hình “sức khỏe” sau 9 tháng hoạt động, PGBank cho biết có mức lãi 60 tỷ đồng. Southern Bank cho biết, quý III có lãi tổng cộng 36 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm 2012. Lợi nhuận “hẻo” do hoạt động đầu tư chứng khoán lỗ hơn 44 tỷ, kinh doanh ngoại hối lỗ 7,5 tỷ đồng vì tất toán trạng thái vàng. Đáng chú ý, tín dụng 9 tháng đầu năm của ngân hàng này hầu như không tăng trưởng. Tính đến ngày 30/9, nợ xấu của ngân hàng chiếm gần 3,8% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới gần 1.000 tỷ đồng, tăng 25%.