Chính quyền dân tộc lập ngày 17/8/1945 thì, dăm năm sau, tổng thống đầu tiên Sukarno cầm quyền 22 năm đã có ý định bỏ Jakarta mà thực dân Hà Lan chọn làm thủ phủ từ 1621. Thập niên 1980, tổng thống thứ hai Suharto cầm quyền 31 năm định lập tân đô cách Jakarta 40 km. Các vị kế nhiệm Habibie và Yudhoyono cũng từng bàn đến.
Lần này năm lý do cốt lõi được thiết kế để luận chứng dời đô trong đó hai căn cứ hàng đầu là về địa lý chứ không phải kinh tế. Một, nơi mới chịu rất ít thiên tai so với Jakarta 600 tuổi từng là đầm lầy. Hai, chỗ mới cách thủ đô hiện tại 1.400 km, trung tâm của đất nước 17.000 đảo.
Từ tiền đề địa lý, mới hiển lộ ba điều kiện xã hội nặng ký. Tân thủ đô nằm kề hai trung tâm kinh tế mới Balikpapan và Samarinda rồi hạ tầng tương đối ổn. Đặc biệt, thủ đô sẽ có 180.000 ha đất sạch không phải giải phóng mặt bằng. Sau ba năm âm thầm tính toán, ngày 16/8, tổng thống Joko Widodo báo cáo Quốc hội kế sách thiên đô 33 tỷ USD. Mười ngày sau, ông trực tiếp họp báo để dò ý dân.
Thế mà, giữa những địa lợi thiên thời ấy, vẫn sôi nổi phản biện từ mọi tầng lớp xã hội. Phó chủ tịch quốc hội Fadli Zon Yandri Susanto thẳng thắn “Chuyển đến đảo Kalimantan có thể không phù hợp thực tế. Cần điều nghiên kỹ và phải tham vấn dân”. Tổng thư ký Đảng Ủy nhiệm Quốc gia Yandri Susanto lên tiếng “Không có luật dời đô thì mọi hành động liên quan đều bất hợp pháp”. Cựu phó thị trưởng Jakarta Sandiaga Uno đòi “trưng cầu dân ý hoặc phán quyết qua phiên điều trần”. Ông còn đề nghị “tiền cho dời đô không được đưa vào dự toán ngân sách quốc gia 2020”.
Lắm rào cản khác nữa cũng không giấu giếm. Ai nấy đều nhận được báo cáo 30% trong số 180.000 công chức trung ương sắp hưu chẳng muốn di dời. Rồi loan tin 95% số người được hỏi trên internet phản đối tham vọng đặt dấu ấn ngàn năm của tổng thống Widodo.
Chính quyền muốn có thủ đô mới để xứng với thành quả của nền dân chủ. Năm 2017, lần đầu tiên Indo gia nhập nhóm nước có GDP nghìn tỷ GDP. Năm 2023, họ sẽ vươn bằng Nga và vào sáu nền kinh tế khủng nhất thế giới. Thành tựu ấy chắc không thể thiếu phần đóng góp khó đo đếm của một thiết chế biết nuôi nền văn hoá đa ý kiến.