Ngắc ngoải vì thiếu tính cộng đồng?

Ngắc ngoải vì thiếu tính cộng đồng?
TPO - Nhiều trung tâm thương mại kết hợp chợ truyền thống tại Hà Nội đang chết yểu khi ngày càng bị người tiêu dùng xa lánh. Trong khi đó, hàng loạt dự án khác vẫn đang rục rịch triển khai.

TT thương mại - chợ truyền thống chết yểu:

Ngắc ngoải vì thiếu tính cộng đồng?

Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội
Ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội. Ảnh: Tuấn Minh

PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi với ông Trần Như Trung, Phó Giám đốc Savills Hà Nội, về thực trạng trên.

“Qua nghiên cứu về thực trạng hoạt động của mô hình trung tâm thương mại gắn với chợ truyền thống hiện nay, chúng tôi thấy nhiều nhận định về vấn đề này dường như vẫn đang đứng ở vòng ngoài, nhiều bên liên quan chưa thực sự hiểu rõ đang mắc cạn vì đâu. Chúng ta mới đang thấy rằng không có khách vào chợ và chủ đầu tư của các dự án này đang gặp rất nhiều khó khăn. Sau một hồi cải cách, điều chỉnh mô hình kinh doanh này đã khiến cả chủ đầu tư, chính quyền, người dân đều thấy mệt mỏi, bất ổn.Vậy có phải dẹp chợ truyền thống là vô lý hay xây trung tâm thương mại là sai lầm?”, ông Trung đặt câu hỏi.

- Theo ông, nguyên nhân nào khiến mô hình kết hợp này sớm chết yểu?

Chợ truyền thống có nét đẹp văn hoá đặc trưng, phù hợp khả năng chi tiêu của đa sô người dân. Tuy nhiên, nếu vẫn giữ nguyên mô hình này tại các đô thị lớn như Hà Nội thì cũng không phù hợp.

Chúng ta không thể chấp nhận được cảnh người đi mua hàng ngồi trên xe máy chống chân ven đường mua thịt, mua rau rất nhếch nhác, ô nhiễm và thiếu an toàn. Lượng dân, nhu cầu tăng lên rất nhanh mà các chợ hiện tại không thể tải nổi. Thực tế đặt ra là phải cải thiện tình trạng nêu trên. Nguyên nhân dẫn đến thực trạng nêu trên đó là chúng ta thiếu sáng tạo, thiếu tôn trọng tính chất cộng đồng và sự hợp tác trong kinh doanh.

- Chất cộng đồng trong kinh doanh ở đây, cụ thể là gì thưa ông?

Chúng ta đã không tôn trọng các chợ truyền thống khi thiết kế. Nhiều chủ đầu tư dường như đã muốn đẩy chợ truyền thống vào những chỗ biệt lập, vào những góc khuất nhất. Ngay thiết kế tầng 1 đã sai lầm khi mỗi gian hàng đã tạo nên những biệt lập khi có vách ngăn cao vút bao quanh, thiếu đi cái chất cộng đồng, rất thiếu không gian chung để thu hút người dân đến với chợ.

Khu bán thực phẩm thường xuyên vắng khách
Khu bán thực phẩm thường xuyên vắng khách.

Nhiều người đi chợ là muốn tìm đến cái cộng đồng. Khi kinh doanh, trong cái thành công chung mới có cái riêng. Phải thiết kế và làm lại toàn bộ mặt sàn tầng một, lối ra, bố trí lại nơi chợ dân sinh phải đảm bảo thuận tiện cho cả người bán và mua, tạo sức thu hút khách hàng. Cả trung tâm thương mại và những hộ kinh doanh nhỏ lẻ phải được tôn trọng như nhau và phải được thiết kế đẹp vì họ đang cùng ngồi trên cùng một con thuyền.

Hiện nay giữa chủ đầu tư và hộ kinh doanh cá thể không có sự kết nối với nhau. Tầng nào phù hợp ngành hàng nào thì phải tôn trọng, chứ không gượng ép. Không phải vị trí nào cũng có thể kinh doanh được mọi loại mặt hàng. Nguyên tắc là phải chung sống được của nhiều ngành hàng trong một toà nhà, không nên nhìn cái lợi trước mắt. Khi thị trường nóng, nhiều người quên mất sự hợp tác với nhau. Tôi tin rằng nếu chỉnh sửa lại thì các chợ kết hợp trung tâm thương mại sẽ nhộn nhịp.

Minh Tuấn thực hiện

Theo Viết
MỚI - NÓNG