Nga trông đợi gì ở Syria?

Nga trông đợi gì ở Syria?
TP - Các đặc vụ con thoi giữa Matxcơva và Damascus mà giới chức ngoại giao Nga đang thực hiện nhằm “ổn định tình hình Syria” được xem là mang nhiều yếu tố khá “tế nhị”.

> Bốn kịch bản lưu vong dành cho Tổng thống Syria

Chắc chắn giới lãnh đạo ở Damascus tỏ ra hoan hỉ trước các chuyến thăm của Ngoại trưởng Sergei Lavrov và Giám đốc Cơ quan Tình báo Ngoài nước Nga Mikhail Fradkov.

Trong khi phương Tây chỉ trích nặng nề chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad thì Nga, một trong 5 thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, đã có những động thái xích lại gần chính quyền Syria. Nguyên nhân chính được nói là vì những lợi ích kinh tế của Nga ở quốc gia Tây Á này.

Nhưng đi ngược lại, có nghĩa là trực tiếp đương đầu các quốc gia phương Tây trong ván bài này đối với Nga liệu có đáng hay không?

Trước chuyến thăm Syria, ông Lavrov được cho là phải tính kế xử lý một nhiệm vụ khá nhạy cảm: thuyết phục ông al-Assad từ chức và chuyển giao quyền lực cho phó tổng thống Farouk al-Sharaa, tương tự đề nghị của Liên đoàn Ảrập.

Đã có những đồn đoán, rằng Nga đã đề nghị Tổng thống Syria, hoặc cải tổ nền dân chủ ngay lập tức để đổi lấy việc Nga tiếp tục ủng hộ chính quyền của ông này, hoặc từ chức. Và ông Lavrov đã gián tiếp khẳng định đồn đoán này là có cơ sở khi tuyên bố “Tổng thống al-Assad đã nói với chúng tôi rằng trong vài ngày tới, ông sẽ gặp ủy ban soạn thảo hiến pháp mới”.

Trong thực tế, chuyến thăm của giới chức Nga, dù chính họ đã cố giảm nhẹ mức độ, tái khẳng định sự sẵn sàng đối đầu của Matxcơva đối với phương Tây và Liên đoàn Ảrập để bảo vệ đồng minh duy nhất ở Trung Đông.

Nhưng Nga đã sẵn sàng đối đầu tới mức độ nào và họ mong muốn đạt được điều gì? Thủ tướng Nga Vladimir Putin từng không ít lần nói rằng, Nga sẽ phát triển mối quan hệ với các nước Ảrập dựa trên lợi ích kinh tế chứ không vì ý thức hệ. Điều này được cụ thể hóa bằng các hợp tác dầu mỏ và vũ khí, đặc biệt với Algeria và Libya.

Syria cũng không ngoại lệ, tuy quy mô nhỏ hơn so với hai nước nói trên. Tuy nhiên, khi sự biến xảy ra ở Libya, dường như Syria trở thành mục tiêu tranh giành ảnh hưởng cuối cùng ở Trung Đông giữa Nga và Liên đoàn Ảrập. Người Nga đang đứng trước lựa chọn khó khăn, bỏ thì thương mà vương thì khó.

Nhưng cuộc nổi dậy ở Syria chính là điều khó nói trong quan hệ giữa Matxcơva và Damascus, dù giới chức Nga tỏ ra không muốn đề cập thực tế này. Nếu ông al-Assad tiếp tục nắm quyền (dù khả năng này ngày càng teo tóp), các hợp đồng kinh tế và quân sự của Nga với Damascus vẫn sẽ an toàn.

Nếu ông al-Assad ra đi, Nga sẽ “mất trắng” Syria dù nhân vật nào sẽ lên nắm quyền đi chăng nữa vì giới đối lập ở Syria cả ở trong và ngoài nước đều chống Nga. Thậm chí hệ thống vũ khí Nga sẽ được thay thế bằng vũ khí Mỹ hay Pháp nếu giới thân phương Tây lên nắm quyền, như từng xảy ra ở Ai Cập gần 40 năm trước.

Một cái khó nữa đặt ra cho giới cầm quyền ở Matxcơva là kể từ khi “ra mặt” chống lưng chính quyền al-Assad, quan hệ giữa Nga và 6 nước vùng Vịnh gồm Bahrain, Kuwait, Oman, Qatar, Ảrập Xêút và UAE xấu đi trông thấy, kéo theo sự ngưng trệ các hợp đồng làm ăn với những quốc gia này.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG