Rối như quy hoạch

Ngã ngửa, cột điện cao thế mọc giữa ngã tư

TP - Kinh tế còn khó khăn, Đảng và Nhà nước kêu gọi tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn tồn tại nhiều thứ đáng lẽ ra cần được tiết kiệm lại chưa được tiết kiệm.

Xây dựng quy hoạch, vốn được ví như người dẫn đường của công tác quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội đất nước, thực tế lại đang làm hao mòn ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. Đến năm 2013, cả nước có 8.955 quy hoạch, kinh phí hơn 6.720 tỷ đồng. 


Định hướng tới năm 2020, cả nước sẽ có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Tiền chi ra khủng nhưng hiệu quả đến đâu vẫn chưa rõ. Chỉ thấy đích thân Bộ KH&ĐT, đơn vị chuyên lo kế hoạch cho đất nước phải lên tiếng: Hiệu quả mang lại chưa cao, gây lãng phí lớn cho xã hội, thậm chí còn kìm hãm sự phát triển. 

Quy hoạch với một quốc gia là điều tối quan trọng nhưng, vốn đầu tư và hiệu quả mang lại không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận. Sự lãng phí, chồng chéo xuất hiện ngay từ các quy định pháp luật. Chỉ tính Nghị định và Luật, đã có tới hơn 100 văn bản khác nhau điều chỉnh công tác quy hoạch.

Cụ thể hơn, chúng ta có Luật Quy hoạch đô thị 2009, lại vừa có chương về quy hoạch trong Luật Xây dựng. Tới đây sẽ có thêm Luật Quy hoạch. Để rồi, tất cả các bộ ngành, các cấp địa phương (từ tỉnh/thành phố tới xã/phường) đều chi tiền lập quy hoạch. Thậm chí phát triển gia đình cũng phải lập quy hoạch.

So với thế giới, có lẽ quy hoạch của Việt Nam không hề thua kém về số lượng. Nhưng về chất lượng, chính Bộ KH&ĐT cũng phải thốt lên rằng: Quy hoạch còn nhiều mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu tầm nhìn dài hạn… Các quy hoạch được xây dựng riêng rẽ, thiếu liên kết giữa các vùng, các ngành. Một thời rộ lên các tỉnh ven biển đua nhau quy hoạch làm cảng biển, rồi sân bay, khu công nghiệp… nhưng nguồn lực đâu không thấy ai tính tới.


Quy hoạch ẩu, thậm chí là lố hiện rõ qua việc cột điện cao thế mọc giữa ngã tư Hào Nam – Đê La Thành (Hà Nội). Cột điện dựng lên để di dời đường điện cao thế nhường không gian cho đường sắt trên cao (tuyến Cát Linh – Hà Đông).

Nhưng khi làm xong, người ta mới “ngã ngửa”, cột điện đang nằm chắn ngang tuyến đường sắt trên cao, chân cột “ăn” ra mặt đường Hào Nam mấy mét. Xin chốt bằng câu của nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PT-NT, ông Đào Xuân Học: “Vô lý, lãng phí khủng khiếp. Tiếc rằng, chưa thấy ai chịu trách nhiệm, hay bị xử lý về những điều kể trên”.