Các nhà quan sát quân sự đánh giá rằng, quá trình đưa chiếc An-124 trở lại trạng thái hoạt động đòi hỏi những nỗ lực đáng kể về hậu cần và kỹ thuật, do kích thước của máy bay khá lớn và đã ngừng hoạt động trong một khoảng thời gian dài. Dự án khôi phục không chỉ tập trung vào kỹ thuật để làm cho máy bay có thể bay trở lại mà còn xem xét các khía cạnh liên quan đến vai trò hoạt động trong tương lai và các ứng dụng tiềm năng của nó trong lĩnh vực quân sự cũng như thương mại.
Quyết định đại tu chiếc Antonov An-124 sau gần 25 năm loại biên phù hợp với nhu cầu hoạt động của quân đội Nga trong bối cảnh những thách thức về trang thiết bị quân sự và hậu cần hiện nay của nước này.
Khả năng vận chuyển hàng hóa và khả năng vận chuyển hàng không chiến lược của An-124 phù hợp để giải quyết các vấn đề hậu cần, ví dụ như nhiên liệu, đạn dược, phụ tùng thay thế và các vật liệu khác... một cách nhanh chóng và hiệu quả tới các đơn vị tác chiến.
An-124 do Phòng thiết kế Antonov phát triển, được biết đến với khả năng chở hàng, khiến nó trở thành máy bay vận tải quân sự lớn nhất trong hàng chục năm.
Việc phát triển An-124 được bắt đầu vào năm 1971 nhằm giải quyết khoảng cách về năng lực vận tải hàng không hạng nặng trong Lực lượng Không quân Liên Xô, với chuyến bay đầu tiên diễn ra vào ngày 24/12/1982.
Sau khi Liên Xô tan rã, An-124 được sử dụng cho mục đích dân sự vào ngày 30/12/1992, cho phép ứng dụng rộng rãi hơn trong hoạt động thương mại.
Máy bay được thiết kế với sải cánh 73,3 m, chiều dài 68,96 m, có trọng lượng rỗng đạt 175 tấn và trọng lượng cất cánh tối đa lên đến 405 tấn.
Được trang bị bốn động cơ phản lực cánh quạt Lotarev D-18, An-124 có thể bay với vận tốc cực đại 865 km/h, tầm bay 5.400 km và trần bay lên đến 12.000 m.