Nga bắn rơi tiêm kích MiG-29 của Ukraine

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba (20/2) đưa tin hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ một máy bay chiến đấu MiG-29 của Ukraine ở khu vực Kherson.

"Hệ thống phòng không tại khu vực làng Belozerka, vùng Kherson đã bắn hạ một máy bay MiG-29 của Không quân Ukraine", báo cáo từ Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ.

Nga bắn rơi tiêm kích MiG-29 của Ukraine ảnh 1

Cũng theo bộ này, trong 24 giờ qua, 7 tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh cung cấp, 3 tên lửa của hệ thống HIMARS do Mỹ sản xuất cũng như tên lửa của hệ thống phòng không Patriot đã bị phòng không Nga đánh chặn.

Ngoài ra, 124 máy bay không người lái cũng đã bị phá hủy ở các khu vực bao gồm: Khu định cư Mirnoye ở vùng Zaporozhye; Lozovoye, Klyuchevoye ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk tự xưng; Podgornoye, Novoyehorivka và Kremennaya ở Cộng hòa Nhân dân Lugansk tự xưng.

Cùng ngày, các đơn vị không quân, tên lửa và pháo binh Nga thực hiện hàng loạt cuộc tấn công nhằm vào nhân lực và thiết bị quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine tại 117 khu vực.

Thống kê từ Bộ Quốc phòng Nga, kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào tháng 2/2022, phía Ukraine đã mất tổng cộng 572 máy bay chiến đấu, 266 máy bay trực thăng, 12.943 máy bay không người lái, 471 hệ thống tên lửa phòng không, 15.123 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, 1.222 phương tiện chiến đấu thuộc hệ thống tên lửa phóng loạt, 8.118 pháo dã chiến và súng cối cũng như 18.860 chiếc xe quân sự đặc biệt.

MiG-29 được Liên Xô phát triển vào cuối những năm 1970, giới thiệu lần đầu tiên vào đầu những năm 1980. Máy bay được thiết kế cho các nhiệm vụ chiếm ưu thế trên không.

Được trang bị hai động cơ phản lực cánh quạt Klimov RD-33, lực đẩy 50 kN/mỗi động cơ cho phép MiG-29 đạt tốc độ tối đa là Mach 2.4 (tương đương 2.450 km/h), trần bay 18.000 m và tầm hoạt động 700 km.

MiG-29 được lắp đặt một khẩu pháo tự động 30 mm GSh-30-1 với 150 viên đạn. Dưới cánh và thân MiG-29 có bảy điểm treo với sức chứa lên tới 4.000 kg, có thể mang tên lửa chống hạm, tên lửa không đối không và không đối đất, cũng như các loại bom.

MỚI - NÓNG
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm
TP - “Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn. Dự kiến tháng 7/2026, nơi in dấu chân chị Trâm sẽ kết nối hệ thống cao tốc Bắc-Nam.