Nên nói không với phương pháp dạy học không thiết thực

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học Tây Sơn, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học Tây Sơn, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Nhận xét của người nước ngoài khi nói về tiếng Anh ở Việt Nam hiện nay là: họ nói một thứ na ná tiếng Anh. Với những quan sát và kinh nghiệm thực tế, theo tôi, việc này nếu không được quan tâm để khắc phục, nó sẽ còn mãi và ngày càng tồi tệ.

> Rà soát năng lực giáo viên rồi sẽ làm gì?

Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học Tây Sơn, Hà Nội Ảnh: Hồng Vĩnh
Giờ học tiếng Anh của học sinh tiểu học Tây Sơn, Hà Nội.
Ảnh: Hồng Vĩnh.

Giáo viên ngoại ngữ nghe không hiểu được tiếng mình đang dạy có nhiều nguyên nhân. Người viết bài này chia nguyên nhân thành hai nhóm chính: nguyên nhân chung và nguyên nhân kỹ thuật.

Trong nguyên nhân chung, trước hết phải nói đến phương pháp dạy-học. Lớp học ngoại ngữ ở nước ta đâu đó vẫn mang dáng dấp một lớp học của ông đồ xưa, nơi người học chủ yếu nghe thụ động.

Ngược lại, không khí giờ học ngoại ngữ cần sôi nổi, học sinh cần được nói, nghe, đọc và viết thực, tức là được tham gia giao tiếp - dù chỉ là giữa học sinh với nhau, chứ không chỉ ngồi trật tự, khoanh tay ngay ngắn trên bàn “nghe giảng”.

Quan sát một giờ học tiếng Anh hiện nay cho thấy cả phương pháp dạy-học và độ chuẩn xác kiến thức của người dạy đều có vấn đề, đặc biệt phát âm và kỹ năng diễn đạt nói.

Thiếu những cố gắng cần thiết, cứ theo quán tính này, chỉ một vài năm nữa Việt Nam sẽ có một loại tiếng Anh riêng mà không ai hiểu ngoài chính người nói: Vinglish (tiếng Anh Việt Nam).

Đã có rất nhiều lớp tập huấn, hội nghị, hội thảo khoa học về phương pháp dạy-học ngoại ngữ nói chung và tiếng Anh nói riêng. Nhưng chúng dường như không thiết thực.

Thiếu môi trường giao tiếp là nguyên nhân thứ hai, và là một thực tế không chỉ có ở Việt Nam: học ngoại ngữ trong nước thiếu môi trường giao tiếp thực; có những thầy, cô cả đời chưa bước chân ra khỏi biên giới, chưa một lần gặp và nói chuyện người nước ngoài. Ngày nay, phương tiện nghe-nhìn rất phong phú, có trường được nối mạng Internet để khắc phục tình trạng này.

Song, không phải nơi nào cũng sử dụng hiệu quả. Trường có cả phòng lab ngoại ngữ, nhưng chủ yếu “làm cảnh”. Giáo viên thổ lộ: “Ở trường tôi có Internet, nhưng muốn lên mạng phải xin phép ban giám hiệu, chỉ một số người được phép dùng vì sợ ảnh hưởng lập trường tư tưởng,... mỗi lần dùng Internet phải ghi tên, ngày giờ, đọc hay viết cái gì, nên chúng tôi chẳng muốn dùng làm gì cho thêm vạ vào thân”.

Như thế, giáo viên nào dù có muốn cũng bỏ hẳn nhu cầu sử dụng Internet như một thư viện lớn hay một diễn đàn trao đổi học thuật với đồng nghiệp. Cũng vì vậy, thế kỷ 21 đã đi qua 12 năm mà có thầy, cô dạy tiếng Anh chưa bao giờ chạm tay vào bàn phím computer và có người còn chưa biết bật-tắt máy nghe đĩa CD.

Lối dạy lệch lạc: coi nhẹ ngữ âm thực hành là một nguyên nhân nữa khiến không chỉ thầy mà còn cả trò bị rơi vào thế thụ động. Một thời, người học chú trọng nắm chắc các quy luật ngữ pháp và sở hữu khối từ vựng câm.

Từ nhận thức sai lệch về vai trò của ngữ âm, mà ở đây chủ yếu là phát âm, đọc đúng trọng âm và đặc biệt đọc cho đúng ngữ điệu,... ngữ âm thực hành bị coi nhẹ. Sách giáo khoa hầu như không có hướng dẫn cách đọc từ mới, không có bài tập rèn luyện phát âm…

Từ khi Bộ GD&ĐT tổ chức thi theo phương thức ba chung, bài thi tiếng Anh luôn có phần kiểm tra về ngữ âm. Do tác động ngược của bài thi, thầy cô giáo tiếng Anh đã chú ý hơn đến rèn luyện phát âm,... sách giáo khoa có phần hướng dẫn cách phát âm, trọng âm hơn nhưng cũng chưa đủ.

Do số lượng học sinh học tiếng Anh tăng đột biến trong thời kỳ đất nước hòa nhập với thế giới, việc thiếu giáo viên là không tránh khỏi. Cũng do vậy, có nhiều giáo viên chuyển từ các ngoại ngữ khác sang dạy tiếng Anh. Nhiều người nhờ kinh nghiệm thực tế đã khá thành công sau khi “chuyển tay lái”.

Tuy nhiên, sự giao thoa giữa ngoại ngữ cũ và ngoại ngữ mới cũng gây khó khăn cho họ và không thể làm nên một đội ngũ dạy ngoại ngữ mạnh như mong muốn.

Ngoài ra, một loạt các nguyên nhân khác như: Thiếu kiến thức đọc, phát âm sai, những thói quen không tốt trong dạy và học… thích hợp hơn ở những hội thảo mang tính kỹ thuật của vấn đề.

Sau một thời gian phát triển một cách “hoang dã” với tình trạng gần như đâu đâu cũng học tiếng Anh, ai cũng dạy được tiếng Anh, đã đến lúc các nhà quản lý giáo dục nên có kế hoạch rà soát lại việc dạy và học môn ngoại ngữ này trong xã hội nói chung và trong nhà trường nói riêng.

Phương Sửu
Nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phương pháp và đánh giá chất lượng của ĐH Ngoại ngữ, ĐHQG HN

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
Lưu ý để đi tàu metro số 1 TPHCM miễn phí
TPO - Đơn vị vận hành tuyến metro số 1 dự kiến từ ngày 1/1/2025 đến ngày 9/1/2025 sẽ hoàn thành tính năng đọc thẻ căn cước, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp. Người dân có thể sử dụng thẻ CCCD gắn chip quét thẻ tại thiết bị đầu đọc ở các cổng soát vé để đi tàu điện metro số 1 trong giai đoạn miễn phí.