Nên nâng tuổi hưu cho nữ
> Đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của lãnh đạo lên 5 năm
> Đề nghị chỉ nâng tuổi hưu cho nữ
Hội thảo “Tuổi nghỉ hưu của lao động nữ với phát triển bền vững đất nước và hội nhập quốc tế” vừa diễn ra ngày 27-2 ở Hà Nội, do TLĐ Lao động, Bộ Ngoại giao và Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại VN tổ chức.
Nhiều ý kiến đề nghị nâng tuổi hưu nữ giới bằng nam giới là “bảo đảm bình đẳng giới”. Trong ảnh: một nữ chuyên viên nghiên cứu công nghệ nanogen tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: Thanh Đạm. |
Vấn đề tuổi nghỉ hưu của nam và nữ; ai, chức danh nào, trình độ nào được kéo dài tuổi nghỉ hưu; liệu có dấu hiệu “lợi ích nhóm” hay không khi quy định tuổi nghỉ hưu cho một số đối tượng; nên đưa tuổi nghỉ hưu của nữ bằng với nam... là những nội dung được thảo luận.
Có “lợi ích nhóm” hay không?
Phần lớn bạn đọc cho rằng nên giữ mức tuổi hưu như hiện nay Theo thăm dò “Theo bạn, tuổi hưu cần quy định như thế nào cho hợp lý?” trên TTO từ ngày 19 đến 27-2, đã có 21.575 bạn đọc tham gia. Trong đó có 14.419 bạn đọc cho rằng nên giữ như hiện nay (nam: 60 tuổi, nữ 55 tuổi), có 3.937 bạn đọc cho rằng quy định tuổi hưu nên tùy theo đặc thù ngành nghề lao động. Có 2.211 bạn đọc đồng ý với việc nên tăng thêm năm năm làm việc cho cả nam lẫn nữ, trong khi chỉ có 1.008 bạn đọc cho rằng nên tăng thêm năm năm làm việc cho nữ. |
Bộ luật lao động được Quốc hội sửa đổi và thông qua năm 2012 sẽ có hiệu lực từ tháng 5-2013. Trong đó quy định tuổi nghỉ hưu của nam là 60 tuổi, nữ là 55 tuổi. Đồng thời quy định: người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá năm năm.
Trong quá trình xây dựng nghị định hướng dẫn nội dung nêu trên, các bộ liên quan đề xuất hai phương án: thứ nhất, việc kéo dài thời gian làm việc được áp dụng đối với người lao động (cả nam và nữ); thứ hai, chỉ áp dụng đối với lao động nữ.
Đối tượng kéo dài thời gian làm việc cũng nêu phương án: người giữ chức vụ từ vụ trưởng, vụ phó hoặc tương đương; lãnh đạo tập đoàn kinh tế nhà nước (ví dụ chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc...).
Đề cập ý kiến trong dư luận cho rằng việc kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với một số đối tượng như vậy có phải là biểu hiện “lợi ích nhóm” hay không, bà Đặng Thị Ngọc Thịnh - ủy viên Trung ương Đảng, bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long - nói: “Tôi nghĩ rằng làm việc sau tuổi 55 là nghĩa vụ và trách nhiệm của mình, còn phải tiếp tục đóng góp khi Đảng và Nhà nước cần thì tiếp tục làm”.
Tiếp tục nêu vấn đề “vậy nếu người quản lý có năng lực yếu, uy tín thấp hoặc không đủ sức khỏe mà lại được kéo dài tuổi nghỉ hưu nghĩa là tiếp tục làm thì như thế nào?”, bà Thịnh dẫn ý kiến của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (được ban tổ chức công bố tại hội thảo - PV) như một trong những giải pháp quan trọng, đó là: “Khi phụ nữ không sử dụng quyền nghỉ hưu ở độ tuổi ưu tiên là 50 hoặc 55 thì việc tham gia quản lý cần phải rà soát và lấy phiếu tín nhiệm, đánh giá năng lực rồi mới quyết định việc có (cho) tham gia quản lý hay không”.
Bà Thịnh bổ sung đã có quy định về việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với thành viên lãnh đạo cấp ủy cũng như cán bộ lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, đoàn thể. Như vậy đối với các bộ, ngành sẽ tổ chức việc lấy phiếu tín nhiệm hằng năm đối với lãnh đạo từ cấp cục và tương đương, còn đối với địa phương là lãnh đạo từ cấp sở, cấp huyện... Người nào có hai năm liên tiếp tín nhiệm thấp hoặc có 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cơ quan phải xem xét lại việc quy hoạch, bổ nhiệm, thậm chí miễn nhiệm, sắp xếp lại mà không chờ đến thời gian nghỉ hưu, không chờ hết nhiệm kỳ. “Đây chính là quy định để ràng buộc” - bà Thịnh nói.
Nâng tuổi hưu cho nữ là công bằng
Bà Louise Chamberlain (giám đốc UNDP tại VN) cho rằng một trong những rào cản đối với nữ giới khi phấn đấu trở thành lãnh đạo ở VN chính là sự phân biệt đối xử về tuổi nghỉ hưu.
Theo đại diện Tổng liên đoàn Lao động, về việc kéo dài thời gian làm việc, quan điểm của các bộ liên quan nghiêng về thực hiện theo phương án thứ nhất, nghĩa là bằng tuổi ở cả lao động nam và nữ. Tuy nhiên, ý kiến của bà Trương Thị Mai (chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) được ban tổ chức công bố tại hội thảo cho rằng nên “nghiên cứu xây dựng phương án nâng tuổi nghỉ hưu cho một số nhóm lao động nữ trước để đảm bảo bình đẳng tuổi nghỉ hưu. Sau đó, theo điều kiện kinh tế - xã hội sẽ nâng dần cho tất cả lao động cho phù hợp”.
Theo bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội), không nên quy định cụ thể đối tượng được kéo dài thời gian làm việc, chẳng hạn như “người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao là những người có trình độ tiến sĩ...”. Bà Ninh nói: “Không nên đề ra các tiêu chí rắc rối và có thể đưa đến bức xúc ngay chính trong chị em với nhau”.
Bên lề hội thảo, trả lời câu hỏi về ý kiến cho rằng kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể cản trở đầu vào việc làm của lao động trẻ cũng như mâu thuẫn với mong muốn trẻ hóa cán bộ lãnh đạo, bà Nguyễn Thúy Anh (phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội) cho biết quan điểm là nhìn vấn đề trên góc độ bình đẳng giới, theo đó bình đẳng tuổi về hưu sẽ góp phần phát huy những tiềm năng chưa được khai thác hết ở lao động nữ.
Bà Thúy Anh nói: “Luật quy định người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, lưu ý ở đây luật chỉ nêu “có thể” và luật cũng giao Chính phủ quy định chi tiết. Điều đó nghĩa là không phải liền một lúc tăng tuổi nghỉ hưu đối với cả nam và nữ. Đứng trên góc độ bình đẳng giới, ý kiến cá nhân của tôi trước mắt chỉ nên tăng tuổi nghỉ hưu nữ”.
Nguy cơ vỡ quỹ lương hưu Dưới góc nhìn dân số và phát triển, ông Dương Quốc Trọng (tổng cục trưởng Tổng cục Dân số và kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế) cho biết tuổi nghỉ hưu thực (tính trung bình) trong giai đoạn 2007-2011 đối với nam là 55 tuổi, đối với nữ là 51,5 tuổi. Theo số liệu từ cơ quan bảo hiểm xã hội thì 20 năm đóng bảo hiểm chỉ đủ chi trả trong 7-8 năm lương hưu, trong khi đó hiện nay ở VN nhóm từ 60 tuổi sẽ có tuổi thọ trung bình thêm 20 năm (đối với nam), 23 năm (đối với nữ). “Như vậy đối với nam nếu đóng bảo hiểm trong 32,5 năm chỉ đủ để bảo hiểm trả lương hưu 13 năm, 12 năm còn lại không đủ trả lương. Tương tự, đối với nữ đóng bảo hiểm trong 29,5 năm chỉ đủ bảo hiểm trả lương hưu 12 năm, còn 19,5 năm không đủ trả lương. Có thể thấy trước nguy cơ vỡ quỹ lương hưu, không vỡ mới lạ, nếu chúng ta không có giải pháp” - ông Trọng nói. |
Theo Tuổi Trẻ