Ngoài việc bị phạt, ĐH Phan Thiết không được đào tạo 500 chỉ tiêu tuyển vượt ở hệ CĐ do không đảm bảo cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên. Trong ảnh: Giảng đường ĐH Phan Thiết |
Trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong, Ông Nguyễn Minh Thuyết cho biết:
Đây là lần đầu tiên, Quốc hội tổ chức một chuyên đề giám sát chung về giáo dục đại học. Theo kế hoạch, đoàn công tác của Quốc hội sẽ làm việc tại khoảng 50 trường trong cả nước.
Ông Nguyễn Minh Thuyết. |
Hiện tại, chúng tôi đã đến được khoảng 40 trường ở các tỉnh, thành phía Nam và phía Bắc. Còn ở các tỉnh, thành miền Trung và Tây Nguyên, đoàn đã bố trí lịch làm việc với khoảng 10 trường trong tuần tới.
Mục tiêu giám sát của Đoàn là đánh giá tổng thể về các vấn đề: thành lập trường, đầu tư cho giáo dục đại học và thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo.
Với tư cách là người phụ trách tổ giám sát về việc thực hiện các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, ông có nhận xét sơ bộ như thế nào về vấn đề này?
Các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo gồm có: năng lực của đội ngũ cán bộ giảng dạy, tư chất của sinh viên, chương trình - giáo trình, công tác quản lý đào tạo, nghiên cứu khoa học, sự đầu tư về cơ sở vật chất - tài chính và mối quan hệ với các đơn vị sử dụng lao động.
Theo đánh giá của chúng tôi về đội ngũ, hiện nay ở các trường đại học dù công lập hay ngoài công lập đều có vấn đề. Với trường công thì tồn tại tình trạng “chân trong chân ngoài”. Nghĩa là các thầy tuy thuộc về một trường đại học công lập nhưng tham gia giảng dạy rất tích cực ở các trường ngoài công lập.
Điều này tiềm ẩn nguy cơ mất cán bộ của trường công, nhất là các trường đào đạo những ngành ít hấp dẫn người học.
Với các trường ngoài công lập thì số giảng viên cơ hữu chủ yếu lại là giảng viên đã về hưu ở các trường công lập, số giảng viên trẻ rất ít. Đã vậy, các trường ngoài công lập cũng chưa có chính sách rõ ràng để bồi dưỡng cán bộ trẻ.
Về sinh viên, xét từ góc độ đầu vào, có sự khác biệt giữa trường công lập và ngoài công lập. Nhiều trường công điểm tuyển rất cao trong khi các trường ngoài công lập điểm tuyển thường thấp, sát điểm sàn.
Ngay trong hệ thống trường công thì chất lượng đầu vào có khoảng cách khá rõ ràng giữa nhóm ngành hấp dẫn và nhóm ngành không hấp dẫn. Một số trường có truyền thống lâu năm nhưng hiện nay vẫn khó tuyển sinh viên điểm cao vào một số ngành.
Hầu như không có trường ngoài công lập nào có công trình nghiên cứu cấp bộ, cấp nhà nước. Một số trường thậm chí còn không bố trí kinh phí cho công tác nghiên cứu.
Về đất đai, cơ sở vật chất, trang thiết bị thì đúng như các trường vẫn than phiền, quả là rất thiếu thốn. Việc mở trường, mở ngành dễ dãi dẫn đến tình trạng nhiều trường đào tạo các ngành công nghệ nhưng không có phòng thí nghiệm, không có trang thiết bị phục vụ đào tạo. Tôi nghĩ ở đây có trách nhiệm của Bộ GD&ĐT duyệt mở ngành trong khi điều kiện đào tạo không đảm bảo.
Về vấn đề suất đầu tư cho mỗi sinh viên cũng có nhiều điều phải quan tâm. Tôi thấy lạ là có những trường không hề xác định được suất đầu tư của trường mình là bao nhiêu!
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng suất đầu tư của hầu hết các trường hiện nay là thấp. Ngoài tiền đầu tư từ ngân sách nhà nước, mức học phí cao nhất các trường ĐH công lập có thể thu để bổ sung kinh phí hiện nay là 240.000 đồng/tháng (khoảng 120 USD/năm).
Để thấy mức học phí này thấp thế nào, chúng ta có thể so sánh với một số trường quốc tế đóng ngay trên đất nước ta.
Ví dụ, Trường ĐHQT Việt - Đức mà Chính phủ đang đầu tư để xây dựng thành hình mẫu trường đẳng cấp quốc tế, học phí cỡ 15.000 USD (gần 300.000.000 đồng)/năm, gấp 125 lần học phí cao nhất của trường công lập khác. Cả trường chỉ có 28 sinh viên theo học, Hiệu trưởng nguyên là Hiệu trưởng một trường cao đẳng kĩ thuật ở Đức.
Trường đại học RMIT ở TPHCM, học phí từ 5.000 USD đến 7.000 USD (tương đương 100.000.000 - 140.000.000 đồng)/năm. Cả trường chỉ một người có chức danh PGS đang làm Phó giám đốc, không trực tiếp giảng dạy.
So với hai trường này thì lực lượng của nhiều trường ĐH trong nước hùng mạnh hơn nhiều. Nhưng bị ép trên “sân nhà” như thế, các “đội nhà” khó mà phát huy năng lực của mình, nâng cao chất lượng đào tạo được.
Phải chăng, cần có nhiều tiền hơn nữa để đầu tư cho giáo dục đại học?
Tỉ trọng ngân sách nhà nước đầu tư cho GD&ĐT từ ba năm nay đều ở mức cao (trên dưới 20%). Tuy con số tuyệt đối tính ra vẫn rất thấp, đặc biệt đối với giáo dục đại học (chỉ chiếm khoảng 10% tổng kinh phí ngân sách dành cho GD&ĐT) nhưng Nhà nước cũng khó mà đầu tư nhiều hơn, khi tiềm lực kinh tế của chúng ta chỉ ở mức trung bình.
Chúng ta đang mở ra quá nhiều trường đại học. Các trường ngoài công lập nhìn chung có tầm mức đầu tư nhỏ lẻ, chủ yếu từ nguồn học phí theo kiểu “lấy mỡ nó rán nó”. Còn các trường công lập địa phương thì gần như tỉnh, thành nào cũng có hoặc đang phấn đấu để có.
Để giải quyết bài toán hiệu quả đầu tư, theo tôi, chúng ta nên dừng cuộc đua số lượng. Nhà nước chỉ nên tập trung đầu tư vào một số trường trọng điểm cho ra tấm ra miếng, còn những trường khác thì có thể giải quyết bằng cách tăng cường huy động sự tham gia của xã hội, trong đó khuyến khích tự chủ về tài chính, thậm chí cổ phần hoá, là những giải pháp có thể phải tính đến.
Quý Hiên (thực hiện)