Ôn thi tốt nghiệp môn Toán:
Nên dựa vào cấu trúc đề
>Đầu tư học môn Hóa dễ ghi điểm
>Chạy đua đến kỳ thi tốt nghiệp
Theo cấu trúc đề thi tốt nghiệp THPT, phần khảo sát vẽ đồ thị hàm số và các bài toán liên quan chiếm nhiều điểm nhất – từ 2 đến 2,5 điểm. Đây còn là phần dễ học nhất vì bài toán khảo sát hàm số có các bước làm rất đơn giản, chỉ cần học sinh tập rèn kỹ năng. “Nhiều em cẩu thả nên dễ nhầm khi tính toán. Mà tính toán đã nhầm thì sẽ cho kết quả sai và hỏng luôn cả câu trả lời. Vẽ đồ thị là một bước dễ thực hiện nhưng các em lại hay bị trừ điểm do thường mắc lỗi không xác định được tốt dạng đồ thị và vẽ xấu hoặc vẽ không chính xác. Cần cố gắng làm cho thật chuẩn phần này và cố gắng làm đúng trình tự, không được bỏ bước”, thầy Hoan khuyên.
Về hình học, phương pháp tọa độ trong không gian là phần dễ ăn điểm và dễ học, nên ưu tiên ôn. Ngoài ra, những phần điểm nhiều mà không khó lắm còn có tích phân, phương trình, bất phương trình, mũ, logarit. Trong đề thi tốt nghiệp THPT người ta thường hỏi theo cách mà học sinh dễ dàng nhìn ra. Chịu ôn là nhận diện được ngay.
Nhiều học sinh sợ hình học không gian (không phải phương pháp tọa độ) nhưng thực ra rất đơn giản. Phần này chỉ đòi hỏi vẽ hình tốt. Thi tốt nghiệp thường hỏi các kiến thức cơ bản như các bài toán về diện tích, thể tích.
Một kỹ năng mà các em phải rèn được cho mình trong quá trình ôn tập là làm được đến đâu đúng đến đó, bước đi bước nào chắc chắn bước đó. Về phần lý thuyết, sau khi làm hết phải dành 5 – 10 phút để tìm ra sai sót dù biết, với môn toán, việc tự phát hiện sai sót vào thời điểm này là khó.
Cách ôn tốt nhất là nên học theo nhóm, tự học hoặc nhờ giáo viên hướng dẫn. Không nhất thiết phải là nhóm đồng đều mà có thể là nhóm mà các thành viên có mức độ kiến thức khác nhau. Khi ôn theo nhóm, các em có thể giúp nhau bổ trợ kiến thức, người hỏi người trả lời nên ôn rất hiệu quả.
Nhưng trước khi bắt đầu một giai đoạn ôn tập, học sinh nên tự mình lên sơ đồ, vạch ra những ý chính cần phải ôn tập rồi làm mịn dần trong quá trình ôn. Các em có thể căn cứ vào mục lục trong sách giáo khoa, kết hợp chuẩn kiến thức kỹ năng (có thể hỏi thầy cô giáo) để lên sơ đồ, sau đó nhờ giáo viên xem và góp ý.