Dự án này nhằm mục tiêu nghiên cứu “hiện tượng nóng nhất, tập trung nhiều vật chất và năng lượng nhất trong vũ trụ, như các lỗ đen và các vụ nổ những ngôi sao lớn,” theo lời Fiona Harrison thuộc Chương trình kính viễn vọng quang phổ nguyên tử (NuSTAR).
Kính viễn vọng này dự kiến sẽ được đưa vào quỹ đạo Trái Đất vào ngày 13-6 từ Kwajalein Atoll trên quần đảo Marshall.
“NuSTAR sẽ mở ra một cánh cửa hoàn toàn mới vào vũ trụ,” Harrison, giáo sư Viện khoa học công nghệ California ở Pasadena nói.
Kính viễn vọng dự kiến sẽ được phóng đi từ một tên lửa phía dưới một máy bay. Cả tên lửa Pegasus XL và máy bay L-1011 Stargazer đều do công ty Orbital Sciences sản xuất.
Các thủ tục xem xét cuối cùng cho chuyến bay sẵn sàng dự kiến diễn ra vào 1-6 và nếu mọi việc suôn sẻ, chiếc Stargazer sẽ bay từ căn cứ không quân Vandenberg ở miền trung California tới Kwajalein vào ngày 5 và 6/6 để phóng tên lửa vào khoảng một tuần sau.
Kính viễn vọng mới sẽ hoạt động phối hợp cùng với các kính viễn vọng khác đã vận hành trong vũ trụ, bao gồm kính quan sát tia X Chandra của NASA, theo dõi các tia X với cường độ năng lượng thấp hơn.
NuSTAR, dài 10 mét, được coi là có công năng lớn hơn các kính khác vì có khả năng tập trung các tia X năng lượng cao với 133 mảnh gương ở mỗi hai đơn vị quang học.
“Chỉ mới 20 năm trước, các nhà khoa học vẫn nghĩ rằng lỗ đen là rất hiếm gặp,” Harrison nói với các phóng viên. “Ngày nay chúng ta biết rằng mỗi thiên hà lớn, bao gồm thiên hà của chúng ta, có một lỗ đen khổng lồ ở tâm”.
Theo Trần Trọng
Vietnam+