Nặng trĩu ưu tư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Con gái chị Thúy Hạnh chuẩn bị vào lớp 1. Thay vì phấn khởi, chị Hạnh lại nhấp nhổm không yên bởi năm học mới bắt đầu bằng cách học online (trực tuyến). Bước chân đầu đời đến trường của con chị cũng vì thế có nhiều khác biệt và cả hụt hẫng.

“Không thấy ổn tí nào!”, chị Hạnh nói. Chị cho biết, cách đây ít hôm, Trường Nguyễn Thị Định (quận 7, TPHCM), nơi con chị theo học đã “khởi động nháp” năm học mới bằng việc tổ chức kể chuyện trực tuyến. “Phần vì các bé không tập trung, ngọ ngoậy suốt, phần vì nhiều từ ngữ cô giáo dùng quá lạ lẫm nên các bé không hiểu gì, cứ ngồi đơ ra…”, chị Hạnh mô tả.

Theo chị Hạnh, có rất nhiều lý do khiến chị cũng như các phụ huynh cùng cảnh cảm thấy không an lòng. Học hỏi thông qua tiếp xúc, tương tác trực tiếp là rất quan trọng đối với lứa tuổi này, trong khi môi trường học mới đều ảo, từ lớp học đến thầy cô giáo và bạn bè. Các bé cũng gặp trở ngại rất lớn trong việc học trực tuyến bởi chưa đủ khả năng làm chủ thiết bị, công nghệ nên luôn phải có người lớn “học” cùng. Trong khi đó, không phải gia đình nào cũng luôn đầy đủ trang thiết bị hay có sẵn người luôn bên cạnh để hỗ trợ các bé học trực tuyến. Vì vậy, theo chị Hạnh, phần lớn phụ huynh có con vào lớp 1 năm nay đều mong muốn dịch qua mau rồi đưa các bé đến trường vẫn chưa muộn.

Không riêng phụ huynh, các giáo viên cũng nhiều trăn trở, lo lắng, bởi chưa biết soạn bài giảng trực tuyến thế nào để các bé lớp 1 tiếp thu được một cách dễ dàng, hiệu quả. Và bởi, tình trạng học trực tuyến kéo dài sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm, sinh lý của trẻ.

Một năm học mới sắp diễn ra tại tâm dịch TPHCM với nhiều ngổn ngang, lo toan và nặng trĩu ưu tư. Kế hoạch dạy và học có nhiều xáo trộn và phải học trực tuyến. Sách, vở không mua được vì giãn cách; các nhà sách, hệ thống bán hàng trực tuyến đều tê liệt. Hàng trăm trường học đã được trưng dụng làm cơ sở phòng chống dịch, khu cách ly bệnh nhân COVID-19. Hàng nghìn giáo viên và học sinh là F0 đang nằm trong các khu phong tỏa, khu cách ly hoặc các bệnh viện, chưa biết ngày trở về.

Cũng vì dịch, nhiều trẻ không còn cơ hội đến trường bởi cha mẹ và người thân đã qua đời hoặc đang chống chọi với virus SARS-CoV-2. Nhiều trẻ khác cũng bỏ trường, bỏ lớp và thầy cô bè bạn để theo bố mẹ chạy về quê tránh dịch, chưa biết có ngày trở lại.

Ngoài đối mặt nguy cơ mất an toàn do dịch bệnh gây ra, nhà trường và phụ huynh, học sinh còn gặp khó khăn chồng chất về tài chính. Nguồn ngân sách đầu tư cho cơ sở vật chất, trường lớp sẽ trở nên eo hẹp. Thất nghiệp và không có thu nhập trong thời gian dài, nhiều gia đình phải lo tiền học phí, tiền mua sách vở, áo quần cho con em đến trường hẳn sẽ không dễ.

Xã hội cũng đang trông chờ các gói hỗ trợ dành riêng cho học sinh từ chính quyền và cả cộng đồng để những học sinh là con em gia đình nghèo, khó tiếp tục được đến trường.

MỚI - NÓNG