Xây dựng thương hiệu cho khoai lang
Trước khi khởi nghiệp, Nguyễn Khắc Duy là chàng trai có niềm đam mê đặc biệt với nghiên cứu khoa học kỹ thuật. Khi còn học cấp 3, với sản phẩm “Hệ thống xử lý nước mưa bằng vật liệu mới”, Huy đã đoạt giải Ba cuộc thi Sáng tạo kỹ thuật toàn quốc VIFOTEC. Năm 2017, dự án “Khung xương hỗ trợ lực chân” giành giải Ba cuộc thi Sáng tạo khoa học kỹ thuật Trần Đại Nghĩa (Vĩnh Long) và giải Khuyến khích cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka (do Thành Đoàn TP HCM tổ chức). Khi đang có được những thành công bước đầu trong nghiên cứu khoa học kỹ thuật, cậu quyết định rẽ ngang thử thách mình ở lĩnh vực khởi nghiệp.
Tháng 3/2018, cậu sinh viên năm 3, khoa Cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long quyết định thành lập Công ty TNHH Công nghệ - Dịch vụ ZOOM, có 2 nhân viên là sinh viên. Công ty hoạt động trong lĩnh vực lắp đường ống tưới tiêu nước tự động cho hộ gia đình trồng hoa, rau. “Thời gian đầu bọn em gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu kinh nghiệm quản lý, phải thuê một kế toán để làm các thủ tục giấy tờ, hóa đơn… Một khó khăn nữa không kém, đó là thời gian. Em đang là sinh viên còn phải học nhưng khách hàng lại cần vào giờ hành chính”, Duy cho biết.
Cứ xong việc học trên giảng đường, Duy lại ào đi với công việc, tìm kiếm khách hàng, phát triển thị trường. Sau một thời gian hoạt động, công ty của Duy dần đi vào ổn định, có khách hàng, dự án đều đặn và sinh lợi nhuận. Không bằng lòng, cậu sinh viên Vĩnh Long lại tìm đến một thử thách mới.
Khoảng giữa năm 2018, Vĩnh Long và một số tỉnh miền Tây rộ lên phong trào giải cứu khoai lang tím Nhật, do phía Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu loại khoai này. Họ đòi hỏi phải có đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc, chứng nhận chất lượng, nhãn mác, bao bì, thương hiệu của vùng… Nhưng trước nay, người nông dân chỉ có thói quen trồng mà không hướng đến sự chuyên nghiệp nên lúng túng, khoai trồng rồi không bán đi được. Duy muốn giúp người nông dân giải quyết những khó khăn đó.
Duy xin vào làm một công ty xuất nhập khẩu, giữ vị trí phó giám đốc kinh doanh, phụ trách mảng xúc tiến thương mại. Trong vai trò mới, Duy thường xuyên đi về các tỉnh miền Tây, các vùng nguyên liệu trồng khoai lang tím Nhật, ăn ngủ cùng bà con nông dân; hỗ trợ, hướng dẫn bà con về quy trình canh tác sạch và đóng thương hiệu lên sản phẩm. Duy cũng giới thiệu đến bà con các gói xuất khẩu khoai, để bà con yên tâm tìm đầu ra sản phẩm một cách bền vững. Kết quả bước đầu, mỗi ngày công ty nơi Duy làm việc xuất đi từ 16 - 20 xe hàng, mỗi xe trọng lượng 32 tấn.
Duy cho biết, mới đây công ty nhận được lời mời hợp tác giao thương xuất khẩu khoai của một đối tác Trung Quốc. “Từ đây khoai lang của người nông dân miền Tây có thể đường hoàng đi sang thị trường Trung Quốc bằng con đường chính ngạch với đầy đủ giấy tờ truy xuất nguồn gốc, chất lượng tốt”, Duy chia sẻ.
Người nâng tầm chè Shan Tuyết
Với Hà Ngọc Châm, cựu sinh viên Học viện Nông nghiệp Việt Nam, khởi nghiệp từ giảng đường đã trở thành bệ phóng để cậu gặt hái được thành công sau khi ra trường. Từ năm nhất đại học, Hà Ngọc Châm cùng nhóm bạn đã xuất sắc giành giải Nhì cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia năm 2014, với dự án: Hợp tác xã (HTX) sản xuất và phân phối chè Shan Tuyết, Bó Đướt. Sau khi giành giải thưởng, Châm và nhóm cộng sự nhận được sự hỗ trợ lớn từ các thầy cô giáo Học viện Nông nghiệp Việt Nam về cách bảo quản, chế biến, phát triển sản phẩm. “Trong suốt những năm học đại học, song song với việc học, em dồn mọi tâm sức cho dự án chè Shan Tuyết, từ chạy thị trường, phát triển sản phẩm đến tiếp cận, đàm phán với nhà đầu tư...”, Châm nhớ lại.
Tuy nhiên, năm cuối đại học, dự án gặp khó khăn, nhóm tan rã. Riêng Châm vẫn đau đáu, quyết tâm thực hiện dự án đến cùng. Mang dự án về quê nhà Hà Giang, Châm gặp Bí thư Huyện Đoàn Vị Xuyên Hoàng Thị Thanh Huyền bày tỏ khát vọng đưa đặc sản chè Shan Tuyết ra thị trường theo một quy trình chuyên nghiệp. Châm được hỗ trợ kết nối với ĐVTN trong các vùng lõi nguyên liệu trồng chè. Đầu năm 2018, Hà Ngọc Châm quyết định thành lập HTX Thanh niên sản xuất và Thương mại nông nghiệp Việt Lâm, gồm 19 thành viên do Châm làm giám đốc. Trà của HTX được sản xuất theo phương pháp truyền thống của đồng bào dân tộc Tày và Dao, nhưng máy móc thiết bị hiện đại theo chuẩn quy trình an toàn vệ sinh thực phẩm.“Tôi biết ơn những tháng ngày khởi nghiệp trên ghế giảng đường. Không chỉ được nuôi dưỡng, thắp lửa đam mê từ những thầy cô giáo mà chính danh hiệu gặt hái được từ thời sinh viên, giải Nhì cuộc thi khởi nghiệp quốc gia giúp tôi thuyết phục được lãnh đạo các cấp đồng ý hỗ trợ tiếp sức để có được thành công như ngày hôm nay”.
Giám đốc HTX
Hà Ngọc Châm
Nhận thấy quyết tâm của chàng trai trẻ, Huyện ủy Vị Xuyên đã “tiếp sức” cho Châm bằng việc hỗ trợ xây dựng 2 nhà xưởng và máy móc trên quy mô gần 200 m2. UBND tỉnh Hà Giang hỗ trợ 190 triệu đồng đầu tư mua thiết bị, máy móc; Huyện Đoàn Vị Xuyên, Tỉnh Đoàn Hà Giang hỗ trợ vay nguồn vốn 120 được 50 triệu đồng. Nhờ sự tiếp sức đó, HTX đã đi vào ổn định, tung ra thị trường 2 sản phẩm trà: Trà nguyên liệu Shan Tuyết cổ thụ và trà uống.
“Thu nhập của anh em trong HTX được tính luôn ở mỗi sản phẩm. Sản xuất theo quy trình của HTX, mỗi kg lãi từ 50 nghìn - 100 nghìn đồng/kg so với cách sản xuất truyền thống trước đó. Mỗi thành viên còn được hưởng lợi nhuận theo cổ phần đóng góp”, Châm nói và cho biết mục tiêu của HTX là hướng đến sản xuất trà theo phương pháp hữu cơ, từ khâu chăm bón trà cho đến sản xuất đóng gói.
(còn nữa)
Nguyễn Khắc Duy (sinh viên năm 3 khoa Cơ khí chế tạo máy trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) hiện là Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ - Dịch vụ ZOOM; phó giám đốc kinh doanh một công ty chuyên xuất khẩu, tiếp sức cho người nông dân mang khoai lang ra thị trường quốc tế. Nguyễn Khắc Duy là 1 trong 49 sinh viên tiêu biểu toàn quốc trong cuộc gặp gỡ, giao lưu “Sinh viên Việt Nam - Những câu chuyện đẹp”, vừa được T.Ư Hội Sinh viên Việt Nam vinh danh tại Hà Nội vừa qua. Duy cũng là 1 trong 4 điển hình thi đua tiêu biểu của tỉnh Vĩnh Long 2017.