Nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật

Nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật
Chi phí tuân thủ pháp luật được hiểu là các chi phí mà doanh nghiệp, người dân phải gánh chịu trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật, bao gồm 5 loại chi phí: Chi phí thủ tục hành chính, chi phí đầu tư để tuân thủ quy định, phí và lệ phí, chi phí rủi ro pháp lý, chi phí không chính thức.

Theo đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, hiện nay, chi phí này đang là một gánh nặng đối với doanh nghiệp và người dân, cần được tháo gỡ. Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ông Đặng Thanh Sơn – Cục trưởng Cục Quản lý Xử lý vi phạm hành chính và Theo dõi thi hành pháp luật, Bộ Tư pháp.

Xin chào Ông Đặng Thanh Sơn!

Thưa Ông, dưới góc độ đơn vị được giao nhiệm vụ chính trong việc rà soát, đánh giá, hướng dẫn thống nhất về chi phí tuân thủ pháp luật, Ông đánh giá như thế nào về thực trạng chi phí tuân thủ pháp luật của các doanh nghiệp hiện nay?

Thứ nhất, chi phí thủ tục hành chính là chi phí mà doanh nghiệp và người dân phải bỏ thời gian và chi phí để thực hiện thủ tục hành chính, ví dụ để xin giấy phép; Thứ hai, chi phí về đầu tư để thực hiện các quy định pháp luật; Thứ ba, đương nhiên phải đóng phí, lệ phí; Thứ tư, chi phí về rủi ro pháp lý, ví dụ, doanh nghiệp được cấp giấy phép hoạt động trong vòng 5 năm, sau 5 năm, doanh nghiệp phải xin lại giấy phép; Thứ năm, chi phí không chính thức. 

Qua rà soát và đánh giá, có thể thấy hệ thống pháp luật Việt Nam còn tồn tại  nhiều quy định pháp luật vẫn khiến cho cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của mình vẫn phải chịu những chi phí không hợp lý, không đáng có. Đơn cử như các quy định pháp luật về điều kiện sản xuất kinh doanh.

Theo Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Diễn đàn kinh tế thế giới, chỉ số Chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam được xếp hạng tương đối thấp, đứng thứ 96/140 quốc gia, với 3,1 điểm trên thang điểm 7. Vậy, theo Ông, nguyên nhân nào khiến cho chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của Việt Nam lại thấp như vậy? 

Thứ nhất, hệ thống pháp luật Việt Nam vẫn còn nhiều quy định cần tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung để tháo gỡ và tiếp tục cắt giảm các chi phí, để làm sao chúng ta vẫn thực hiện được mục đích quản lý Nhà nước, đồng thời, vẫn đảm bảo sự thông thoáng, thuận lợi cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp liên quan đến việc thực thi pháp luật;

Thứ hai, thực thi pháp luật giữ vai trò rất quan trọng, bởi các quy định pháp luật nếu chúng ta thực thi không đúng, thực thi không đầy đủ hoặc chúng ta không thực thi thì mục đích ban hành sẽ không đạt được. Tuy nhiên, trên thực tế, giữa quy định pháp luật và thực thi vẫn có một khoảng cách nhất định, ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật của người dân và doanh nghiệp cũng chưa cao cũng làm ảnh hưởng đến chi phí tuân thủ pháp luật.

Vậy, giải pháp để cắt giảm chi phí, nâng cao xếp hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp trong thời gian tới là gì, thưa Ông?

Thứ nhất, khung pháp lý là cở sở cho các cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp và các đối tượng liên quan thực hiện cần phải thường xuyên, mạnh mẽ, dứt khoát, triệt để trong quá trình rà soát, đánh giá để chúng ta tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện phù hợp với thực tiễn, bảo đảm tính hiệu quả và khả thi trong từng thời điểm, từng giai đoạn;

Thứ hai, vấn đề cơ bản nhất là thực thi pháp luật. Ở đây, vai trò của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp trong việc thực hiện các quy định pháp luật là một kết quả tổng thể.

Còn về phía Bộ Tư pháp, Bộ đã, đang và sẽ triển khai hoạt động gì cho công cuộc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật này, thưa Ông?

Về chủ trương, Bộ Tư pháp thực hiện nhiệm vụ đôn đốc, tham mưu cho Chính phủ thực hiện các giải pháp:  

Thứ nhất, công tác phổ biến và tuyên truyền pháp luật một cách rộng rãi, thường xuyên, thiết thực đến tất cả các đối tượng liên quan;

Thứ hai, tập huấn cho đội ngũ thực thi pháp luật để nâng cao tính chuyên nghiệp về mặt nghiệp vụ, đặc biệt, tăng cường công tác rèn luyện, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, nâng cao đạo đức công vụ, tránh và giảm thiểu tối đa tiêu cực của đội ngũ thực thi công vụ.

Thứ ba, sự hỗ trợ và phối hợp của cộng đồng doanh nghiệp, người dân trong việc đồng tình, hưởng ứng và cùng kiên quyết nói không với những chi phí không chính thức, tạo thành dư luận mạnh mẽ; đồng thời, cần nêu gương và nhân rộng các điển hình, nhân tố tích cực để góp phần vào việc cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật. 

Nâng hạng chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật ảnh 1  

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch hành động của Bộ/Ngành tư pháp trong việc thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao trong Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ/Ngành, các chuyên gia trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế xây dựng tài liệu hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương để có cách hiểu đúng, thống nhất về chỉ số chi phí tuân thủ pháp luật. Sau khi ban hành tài liệu hướng dẫn, Bộ Tư pháp tiến hành hoạt động theo dõi, hướng dẫn, đặc biệt, thiết lập đường dây nóng để hướng dẫn các Bộ/Ngành, địa phương trong quá trình triển khai, thực hiện. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát đối với việc thực hiện này.

Xin cảm ơn Ông!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
Huyện miền núi Nam Trà My đề xuất xây thêm 15 thủy điện, có xã thêm... 8 thủy điện
TPO - Trên địa bàn hiện có 12 thủy điện, tuy nhiên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) đề xuất thêm 15 thủy điện vì cho rằng, với tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo hiện có, kết cấu hạ tầng truyền tải điện cơ bản hoàn thiện với cấp điện áp 110kV, và nhu cầu tiêu thụ điện tương đối lớn nên việc đầu tư, phát triển nguồn điện trên địa bàn huyện hiện nay là rất cần thiết.