Ban Chỉ huy Quân sự huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang cho biết, trong ngày 13/4, cán bộ, chiến sĩ Ban Chỉ huy Quân sự các xã Phú Mỹ và xã Tân Khánh Hòa đã liên tiếp tham gia dập lửa 2 vụ cháy rừng.
Theo đó, khoảng 11h ngày 13/4, tại khu vực ấp Trà Phô, xã Phú Mỹ (huyện Giang Thành) đã xảy ra vụ cháy rừng tràm do người dân quản lý.
Rừng ở huyện Giang Thành bị lửa thiêu trụ. |
Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy Quân sự xã Phú Mỹ đã điều động 7 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng lực lượng công an và người dân tham gia chữa cháy. Do thời tiết nắng nóng, thực bì khô nhiều, lửa bốc cháy nhanh nên công tác chữa cháy gặp nhiều khó khăn.
Đến 14h30 cùng ngày, đám cháy đã được khống chế hoàn toàn. Thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1,2ha rừng.
Cùng thời điểm trên, tại khu vực tổ 6, ấp Hòa Khánh, xã Tân Khánh Hòa (huyện Giang Thành) cũng xảy ra một vụ cháy rừng tạp của người dân. Ban Chỉ huy Quân sự xã đã điều động 10 cán bộ, chiến sĩ phối hợp cùng các lực lượng chức năng, người dân và nhiều thiết bị chuyên dụng tham gia chữa cháy.
Đến khoảng 15h30 cùng ngày đám cháy được khống chế. Thiệt hại ước tính khoảng 0,5ha rừng.
Cán bộ, chiến sĩ tổ chức dập lửa. Ảnh: Phương Vũ. |
Nhờ khống chế kịp thời 2 đám cháy trên đã không lan rộng đến khu vực nhà dân.
Chính quyền địa phương cũng lưu ý người dân sống ở những khu vực có nguy cơ cháy trong mùa khô cần chú trọng hơn công tác phòng cháy, chữa cháy tránh dẫn đến những thiệt hại đáng tiếc, đặc biệt khi tình trạng hạn hán đã kéo dài, nguy cơ cháy lên mức cao.
Ngày 11/4, lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang có công văn gửi các đơn vị liên quan trong tỉnh về việc chủ động, tăng cường các biện pháp cấp bách phòng cháy, chữa cháy rừng.
Theo công văn trên, tình trạng nắng nóng đang diễn biến phức tạp, bất thường tại các tỉnh khu vực Nam bộ, trong đó có tỉnh Kiên Giang. Hiện, nhiều khu rừng trên địa bàn tỉnh đang ở cấp cảnh báo cháy rừng cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm, cực kỳ nguy hiểm). UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở ngành, chính quyền địa phương có rừng thường xuyên kiểm tra, giám sát, không được chủ quan, lơ là. Nếu để xảy ra cháy rừng lớn, nghiêm trọng, người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm.