Nàng dịch sách, chàng nuôi heo…

Cả nhà thương nhau
Cả nhà thương nhau
TP - Đâu là điểm chung giữa nữ dịch giả sống cùng con gái giữa lòng tiểu bang Washington - Hoa Kỳ, với chàng Việt kiều ẩn mình tận xã vùng sâu Ea Đar mở trang trại nuôi heo rừng, nuôi ước mơ làm … phong điện ? Trên hành trình tìm câu trả lời, thế giới trong mắt tôi thêm lấp lánh sắc màu qua chuyện tình của đôi vợ chồng Ngọc Hiếu- Rosemary Nguyễn.

> Chàng trai Mường nhiều sáng kiến

Cả nhà thương nhau
Cả nhà thương nhau.
 

Đời đầy lối rẽ bất ngờ

Dù đã được anh Hiếu đọc địa chỉ qua điện thoại cho ghi cẩn thận, rốt cục tôi vẫn phải ghé vào một chốt cảnh sát giao thông đóng gần cột cây số 58 bên quốc lộ 26 hỏi đường, mới tìm ra chỗ cắm tấm bảng đã bị mưa gió bào mòn, có cái tên công ty “NNH” ở đầu lối rẽ vào thôn 4 xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đăk Lăk.

Nữ nhân viên lễ phép mời tôi dùng trà trong khi chờ cô đánh thức ông chủ luôn ngủ tới quá trưa, vì đêm nào ông cũng miệt mài tới một, hai giờ sáng làm việc qua mạng. Sau vạt cây cảnh được chăm chút mướt mát quanh nhà là nhiều dãy chuồng lợp tôn sáng lóa ngăn nắp, sạch sẽ. Xa xa, hồ Ea Knốp rộng bát ngát phẳng lặng như gương. Vẻ đẹp bình yên của hồ Ea Knốp đã khiến chủ nhân của nó quyết định chọn địa chỉ này làm nơi mở trang trại.

Nguyễn Ngọc Hiếu sinh năm 1962 tại Bình Thủy, Cần Thơ. Cha mẹ anh cùng qua đời trong một vụ chìm xuồng giữa dòng Hậu Giang, để lại sáu đứa con côi cút mà út gái mới lên hai. Hiếu - anh cả mới mười bốn tuổi đã trở thành trụ cột chèo chống gia đình, tự nuôi mình nuôi em ăn học.

Năm 1982 lận lưng mấy chỉ vàng mẹ để giành cho con trai cưới vợ, Hiếu liều mạng vượt biên, tự học tiếng Anh suốt hành trình 15 tháng lênh đênh. Qua tới Mỹ, anh rửa chén nhà hàng, làm thông dịch viên, khai sụt tuổi để học lại phổ thông. Tốt nghiệp đại học khoa công nghệ thông tin, trở thành kỹ sư tin học cao cấp, Hiếu làm việc cho quận King bang Washington và bắt đầu giúp đỡ các em ở quê nhà .

Tại thành phố Seattle, anh gặp lại Rosemary Kacoroski trẻ hơn anh một tuổi từng duyên dáng hát Bèo giạt mây trôi trên sân khấu Gala 1990 tại Cung văn hóa Hữu nghị ở Hà Nội, nơi chị ghi danh học Đại học Tổng hợp khoa Tiếng Việt.

Rosemary Kacoroski từng tốt nghiệp đại học Mỹ thuật. Chị mến các bạn Việt Nam với tính cách kiên cường, mà theo chị đều là người của “dân tộc duy nhất thắng Mỹ". Sau khi thành thạo tiếng Việt, Rosemary quay về Mỹ làm thông dịch viên tòa án. Ban đầu, chị dịch tài liệu thương mại và pháp luật, sau đó chuyển sang dịch văn chương Việt hàng loạt truyện ngắn của Nguyễn Quang Thân, Đoàn Lê, Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Quang Lập, Lê Văn Thảo, Trần Trung Chính, Dạ Ngân, Ngô Ngọc Bội, Phạm Hoa…, rồi hào hứng dịch tiểu thuyết “ Gia đình bé mọn” đầy phương ngữ Nam bộ của Dạ Ngân.

Ngọc Hiếu “khoe” Rosemary mê trai Việt vì thấy anh chạy xe cà tàng, không se sua đua đòi, tóc dài nghệ sĩ. Còn anh yêu Rosemary thông minh, tinh tế, thiện cảm đặc biệt đối với đất nước và con người Việt Nam. Năm 1995 họ cưới nhau.

Rosemary Nguyễn tự dịch cái tên Mỹ của mình theo ngôn ngữ quê chồng là Hương Thảo, con gái ra đời được đặt tên là Nguyễn Hồng Ly. Họ về Hà Nội thuê nhà để anh Hiếu theo chương trình cao học về quản trị kinh doanh trong khi bé Ly học nói tiếng Việt còn Rosemary ngồi dịch sách.

Cầm tấm bằng M.B.A. (Thạc sĩ quản trị kinh doanh) do Đại học Hawaii cấp, anh Hiếu không mơ thăng tiến trong xã hội Mỹ mà chỉ ước được đầu tư phát triển năng lượng sạch, tự mình xây dựng nhà máy phong điện tại Việt Nam.

Yêu chồng, ngồi đâu cũng có thể dịch sách nhưng Rosemary không xa gia đình lâu được. Ở Seatle, chị còn cha mẹ già phải chăm sóc. Phương án dung hòa là bộ ba Hiếu-Thảo-Ly ngày nào cũng sẽ chat qua Skype sẻ chia mọi chuyện, ngắm từ xa cho đỡ nhớ …

Heo rừng Tây Nguyên của Cty NNH
Heo rừng Tây Nguyên của Cty NNH.
 

Ẩn sĩ giữa heo rừng và chim trĩ

Hiếu về Việt Nam khoác ba lô đi dọc đồng bằng miền Trung phơi nắng gió, miên man nghĩ mỗi trụ phong điện đòi vốn đầu tư ban đầu cả triệu đô Mỹ mà thị trường giá điện tại Việt Nam lúc này chưa bảo đảm sinh lãi, chi bằng kiếm cách lấy ngắn nuôi dài…

- Ông Nguyễn Văn Sinh - Phó giám đốc Sở NN&PTNT Đăk Lăk kiêm giám đốc ACP: Cách làm của anh Hiếu rất phù hợp với xu thế thị trường hiện nay. Tuy nhiên đầu tư về đây anh ấy cũng chật vật vì quen làm việc theo lối bên Tây, trước sau như một. Còn bà con và cả cán bộ mình nhiều khi chỉ một vài ly rượu là quan điểm khác rồi…

- Tiến sĩ Y Ghi Niê, Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ Đăk Lăk: Ô, anh Hiếu heo rừng ấy hả ?! Dự án của anh ấy tốt lắm, mình ủng hộ hoàn toàn, rất phù hợp với đồng bào và bà con nông dân ở Tây Nguyên.

Hiếu theo người em rể có vợ ở Ea Kar lên Tây Nguyên chơi, bàn bạc tìm tòi và nhất trí chọn cách nhân vốn bằng nghề chăn nuôi động vật hoang dã. Tháng 11-2005, Cty TNHH NNH được Sở KH-ĐT Đăk Lăk cấp phép kinh doanh về “Chăn nuôi đại gia súc, tiểu gia súc, nuôi bò sát và các động vật khác có nguồn gốc hợp pháp”.

Anh mua 2 hecta đất tại thôn 4, xã Ea Đar quy hoạch thành khu chuồng trại. Sau nhiều lần thử nghiệm không thành, Hiếu sang Thái Lan, đóng tiền vào các trang trại chuyên nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã để tìm hiểu bí quyết công nghệ, trở về kết hợp với kinh nghiệm học được từ các trang trại trong nước, mời kỹ sư chăn nuôi của Trường đại học Tây Nguyên cộng tác nhân đàn và lập quy trình chăm sóc theo lối chuyên nghiệp.

Qua nhiều thử thách, từ năm 2008 Cty NNH đã lai tạo thành công được giống heo rừng mới hợp đủ các tố chất giữa heo rừng Thái Lan với heo rừng nội địa. Hàng trăm lứa heo con sọc dưa ra đời, khỏe mạnh, mau lớn, tỷ lệ sống cao khiến anh Hiếu hứng thú, say nghề.

Anh bán bớt heo con đến tuổi tách đàn, đầu tư sâu hơn cho đàn heo giống. Việc ngày ngày cập nhật tất cả các thông tin liên quan qua mạng và trao đổi kiến thức với các kỹ sư chăn nuôi dần biến chàng M.B.A quốc tịch Mỹ thành một “chuyên gia heo rừng” thứ thiệt !

Nhiều cán bộ lãnh đạo ngành nông nghiệp đến tham quan trang trại của anh thích thú với mô hình sản xuất hiệu quả của trang trại, đã đề nghị anh lập dự án chăn nuôi heo rừng theo hướng liên minh vững chắc, có trách nhiệm giữa doanh nghiệp và nông dân.

Với đồng bào dân tộc thiểu số quanh vùng, anh khuyến khích bằng cách chỉ lấy trước phân nửa tiền mua giống ban đầu, nếu heo còi hay chết sẽ được “đền” miễn phí con khác. Ai quan tâm đều có thể vào trang web heorungtaynguyen.com do anh lập để được hướng dẫn tỉ mỉ quy trình tiêm vaccin và cách chăm sóc heo theo từng độ tuổi.

Chưa hết vất vả với đàn heo rừng hàng nghìn con, anh lại say mê nghiên cứu nuôi thêm loài trĩ đỏ. Chỉ khổ vì nỗi nhớ nhà !

Tới nay mình đã dốc vào trang trại hơn 7 tỉ đồng, luôn tin đây là hướng đi đúng để vừa nhân vốn, vừa giúp đồng bào tăng thu nhập, tạo thêm mặt hàng mới giá trị cao cho Tây Nguyên. Tháng trước vợ con vừa sang thăm. Tháng này thèm được về Mỹ xem cháu Ly trình diễn nhạc kịch Musicals mà đành ở lại lo cho dự án suôn sẻ đã.

Tôi ngắm tấm ảnh “cả nhà thương nhau” mà anh email cho xem, thấy vòng ôm của mối tình xuyên biên giới chan chứa ấm áp, tin yêu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG