Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, kiến tạo phát triển

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh, cần tiếp tục cải cách bộ máy hành chính nhà nước, tập trung tạo hành lang pháp lý, có những chính sách khuyến khích, thúc đẩy, kiến tạo phát triển theo đúng tinh thần chuyển đổi tư duy từ quản lý nhà nước sang nâng cao năng lực, hiệu quả quản trị quốc gia.

Thưa ông, trong phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương (T.Ư) Đảng khoá XIII, về công tác chuẩn bị Đại hội lần thứ XIV của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có nêu một số vấn đề về phương hướng, giải pháp chiến lược, trong đó nhấn mạnh tiếp tục thực hiện tinh gọn bộ máy tổ chức Đảng, Nhà nước, Quốc hội, các tổ chức chính trị-xã hội để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ông nhận định sao về vấn đề này?

Vấn đề này, các nghị quyết của Đảng, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XIII đã nhiều lần đề cập. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước cũng nhấn mạnh vấn đề cải cách, tinh gọn tổ chức, bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Chúng ta đã triển khai được nhiều việc, đã tinh gọn được một bước rồi, nhưng thời gian tới cần làm mạnh mẽ, quyết liệt hơn.

Thời gian qua, chúng ta đã tiến hành sắp xếp lại một số bộ phận, nhưng tiếp tục phải rà soát. Ví dụ như đã giảm cấp tổng cục, cục, không có phòng ở trong các vụ… Chúng ta phải tiếp tục rà soát chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành, đơn vị để không chồng chéo; một việc chỉ một cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm. Phân cấp, phân quyền cần mạnh hơn. Bước tiếp theo cần tiến tới xem xét, sắp xếp lại bộ, ngành. Rồi ở chính quyền địa phương, đã tiến hành sắp xếp thôn, tổ dân phố, xã, phường, sau đó tiến tới thực hiện ở cấp huyện, cấp tỉnh.

Phải thực hiện để tinh gọn bộ máy, nhưng đồng thời cũng phải đảm bảo nâng cao chất lượng bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu công việc trong giai đoạn mới. Việc tinh gọn bộ máy cũng giúp giảm chi phí hành chính. Trước đây, 70% tổng chi ngân sách là dành để phục vụ chi phí cho bộ máy hành chính, hiện đã giảm, nhưng tiếp tục phải giảm nữa. Khi giảm được bộ máy, giảm chi phí thì mới có nguồn để nâng lương, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, để họ thực sự sống được bằng lương.

Chúng ta thực hiện từng bước một, theo lộ trình, đảm bảo bộ máy phải tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm. Tất nhiên, tinh giản, sắp xếp bộ máy là một việc khó. Bộ máy tinh gọn, số lượng người giảm nhưng phải đảm bảo chất lượng nâng lên, đáp ứng được yêu cầu trong giai đoạn phát triển mới của đất nước. Tinh gọn bộ máy mà không đáp ứng được yêu cầu thì không được. Vì thế, phải nâng cao chất lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bộ máy. Bên cạnh đó, phải sắp xếp lại các cán bộ, công chức dôi dư, có chính sách phù hợp. Cũng cần quan tâm đến vấn đề sử dụng trụ sở, tài sản sau khi tiến hành sắp xếp, tránh lãng phí nguồn lực…

Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng nêu vấn đề đẩy mạnh phân cấp, phân quyền với phương châm “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”, T.Ư, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát; đồng thời, cải cách triệt để thủ tục hành chính. Theo ông, việc đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đang đặt ra như thế nào?

Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, kiến tạo phát triển ảnh 1

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành T.Ư Đảng khoá XIII Ảnh: TTXVN

Chúng ta cũng sẽ tiếp tục rà soát, sắp xếp các cơ quan, đơn vị để tránh chồng chéo lẫn nhau. Một việc thì chỉ một cơ quan chịu trách nhiệm thôi. Ở cấp bộ cũng thế, có những công việc nhiều bộ cùng làm. Ví dụ, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm có 3 bộ phải lo: Y tế, NN&PTNT, Công Thương. Vì thế, mới đây, TPHCM đã thí điểm thành lập Sở An toàn thực phẩm, nhưng thực ra, công việc này vẫn liên quan nhiều ngành, sở không thể hoàn toàn làm thay được. Tuy nhiên, đã có một sở đứng ra chủ trì công tác này. Hay vấn đề về tài nguyên khoáng sản, có liên quan đến nhiều bộ: TN&MT, NN&PTNT… hay vấn đề đầu tư có cả chức năng của Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính. Vì thế, cần rà soát lại, một việc chỉ giao cho một đơn vị, tổ chức đầu mối chịu trách nhiệm chính.

Trong cải cách, sắp xếp bộ máy hành chính, không chỉ là việc tổ chức bộ máy mà còn phải rà soát nhiệm vụ, phân cấp, phân quyền nữa; phải đồng bộ với tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ. Tinh gọn bộ máy nhưng không nâng cao chất lượng thì không đáp ứng được yêu cầu; tinh gọn nhưng nhiệm vụ chồng chéo nhau hoặc vẫn “ôm” hết, không phân cấp, phân quyền thì cũng không được. Nhưng, phân cấp, phân quyền mạnh hơn cùng đi kèm với tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Từng địa phương được phân cấp, phân quyền thì phải tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm.

Nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, kiến tạo phát triển ảnh 2

“Chúng ta thực hiện từng bước một, theo lộ trình, đảm bảo bộ máy phải tinh gọn, hiện đại, chuyên nghiệp, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu khi đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm”. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh

Như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói, T.Ư, Chính phủ, Quốc hội tăng cường hoàn thiện thể chế, giữ vai trò kiến tạo và tăng cường kiểm tra, giám sát. Cần xác định, cơ quan T.Ư chỉ hoạch định chủ trương, đường lối, kế hoạch, quy hoạch, chính sách. Còn ở dưới địa phương, cấp cơ sở thực thi những chủ trương, đường lối đó thì phải giao quyền cho họ. Cấp T.Ư không nên “ôm” các dịch vụ công, mà phải phân cấp, phân quyền cho địa phương, đơn vị họ làm. Cơ quan T.Ư chỉ tập trung thực hiện chức năng quản lý nhà nước thôi. Những gì thực thi ở địa phương nên để địa phương thực hiện. Chính phủ cũng cần giao quyền cho bộ, ngành nhiều hơn. Họ phải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ được phân cấp. Nếu việc gì cũng đưa lên Chính phủ và Thủ tướng thì rất khó.

Chúng ta cần tiếp tục thực hiện theo đúng tinh thần một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa kiến tạo phát triển. Cần tạo hành lang pháp lý, đưa ra chính sách để khuyến khích, thúc đẩy, kiến tạo phát triển chứ không phải chỉ lo quản lý là chính; thực hiện chuyển đổi tư duy từ quản lý nhà nước sang nâng cao chất lượng, hiệu quả quản trị quốc gia…

Cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
Hà Nội cuối tuần có mưa dông rải rác
TPO - Diễn biến khí tượng tại khu vực Thủ đô Hà Nội trong ít ngày tới có biến động tương đối rõ rệt với hình thái có mưa dông rải rác, chủ yếu mưa to tập trung về đêm. Kéo theo đó nền nhiệt trung bình cao giảm, trong ngày có nhiều thời điểm duy trì ngưỡng dưới 30 độ C.