Hoạt động tín dụng trên nền tảng công nghệ là xu hướng phát triển tất yếu của các tổ chức tín dụng. Và khi ngân hàng, công ty tài chính đẩy mạnh cho vay qua kênh trực tuyến hay đơn giản hoá thủ tục hồ sơ tín dụng sẽ phải đối mặt với những thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp của kẻ gian và vô hình chung họ cũng là nạn nhân của loại tội phạm này.
Đủ chiêu lừa tinh vi
Mới đây, anh Nguyễn Minh Sang (đã đổi tên) có nhu cầu vay vốn ngân hàng cho mục đích kinh doanh đã tá hoả khi phát hiện mình dính nợ xấu trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC). Tìm hiểu thêm, anh Sang phát hiện khoản nợ xấu này phát sinh tại công ty tài chính T. Sau khi khiếu nại, công ty tài chính, xác minh bước đầu cho thấy thông tin có dấu hiệu nghi vấn lừa đảo.
Cụ thể, hồ sơ vay tại công ty T có tên và số CMND trùng khớp với anh Sang, tuy nhiên hình ảnh trên CMND lại không phải của anh. Đáng lưu ý, ngay thông tin tài khoản ngân hàng để giải ngân thì họ tên cũng trùng khớp với hồ sơ vay. Điều này cho thấy kẻ gian đã lên quy trình với cách thức lừa đảo đồng bộ từ việc mở tài khoản ngân hàng đứng tên khách hàng, sau đó tới công ty tài chính vay vốn. Khi đã được giải ngân, kẻ gian nhận tiền còn khách hàng bỗng dưng vướng nợ xấu trên CIC.
Theo một số chuyên gia tài chính, đây là thủ đoạn mới và rất tinh vi của đối tượng lừa đảo khi có thể qua mặt cả ngân hàng để thực hiện trót lọt việc mở tài khoản tại ngân hàng. Được biết, các khoản vay bắt đầu từ năm 2019 và anh Sang cũng không nhớ chính xác ngày làm mất CMND…
Đây không phải trường hợp đầu tiên khách hàng bỗng dưng bị vướng nợ xấu do bị giả mạo hồ sơ, giấy tờ cá nhân. Trước đó, một số người dù chưa từng vay vốn hay có quan hệ tín dụng với tổ chức tín dụng, nhưng bị mất CMND và đã làm lại. Đến khi có nhu cầu, liên hệ ngân hàng, công ty tài chính để vay mới biết không thể giải ngân vì có lịch sử tín dụng vướng nợ xấu tại CIC.
Không chỉ giả mạo hồ sơ, giấy tờ của khách hàng để vay vốn, kẻ gian còn làm giả cả hợp đồng vay tiền của ngân hàng để dụ khách hàng. Vừa qua, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã cảnh báo thủ đoạn này. Theo OCB, các đối tượng đã sử dụng thủ đoạn giả mạo hợp đồng vay tiền của ngân hàng với lãi suất thấp cùng thông tin về ban lãnh đạo ngân hàng đứng tên trên hợp đồng vay. Từ đó, lợi dụng lòng tin của khách hàng để thực hiện hành vi lừa đảo: thu phí làm hồ sơ (hoặc) phí nhận hợp đồng vay… Hay trường hợp của anh Nguyễn Trường D., một khách hàng đã tin tưởng vào người lạ tự xưng là nhân viên của một công ty cho vay tiêu dùng. Theo đó, anh D. đã cung cấp giấy tờ cá nhân cho đối tượng để nhờ đối tượng này mở giúp hồ sơ vay. Đồng thời, anh D. cũng chia sẻ mã giao dịch OTP và bị kẻ gian chiếm đoạt khoản vay từ công ty tài chính.
Cả khách hàng lẫn ngân hàng, công ty tài chính đều “méo mặt”
Ở những vụ việc kẻ gian lừa đảo, mạo danh thông tin, giấy tờ cá nhân rồi đi vay vốn ở tổ chức tín dụng, “đẩy” nợ xấu cho khách hàng, dưới góc độ phân tích của nhiều chuyên gia tài chính, cả khách hàng lẫn ngân hàng, công ty tài chính đều là nạn nhân.
Trong những lần phát đi thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo của tội phạm công nghệ với xu hướng ngày càng tinh vi, chuyên nghiệp hơn, các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều nhìn nhận việc kẻ gian mạo danh để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng ảnh hưởng nghiêm trọng uy tín, hình ảnh của họ. Chưa kể, khi khách hàng phản ánh bị lừa đảo, ngân hàng, công ty tài chính, ngân hàng sẽ phải ưu tiên giải quyết nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng; nguy cơ mất vốn, ảnh hưởng uy tín.
Tín dụng tiêu dùng được xem là một trong những “cánh tay nối dài” của hệ thống tổ chức tín dụng nhằm góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện, đặc biệt là nhằm hạn chế sự phát triển của tín dụng đen. Nếu các ngân hàng thường cho vay ở phân khúc khách hàng đủ chuẩn, thì các công ty tài chính lại cho vay với những khách hàng có thu nhập thấp hơn, không đủ điều kiện vay vốn ở ngân hàng. Nếu nâng cao tiêu chí thẩm định cho vay, công ty tài chính sẽ không thể cạnh tranh được với ngân hàng vì lãi suất cao. Đổi lại, nếu quá nới lỏng quy trình thủ tục cho vay, sẽ khó tránh các vụ lừa đảo, gian lận.
Đại diện FE CREDIT - một doanh nghiệp hoạt động nhiều năm trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng tại thị trường Việt Nam cho biết để hạn chế rủi ro, các ngân hàng, công ty tài chính cho biết thường xuyên đầu tư công nghệ, tăng cường hệ thống phát hiện lừa đảo sớm, xây dựng “hành lang” tự vệ tốt hơn nhằm hạn chế rủi ro ở mức thấp nhất có thể.
Ngân hàng Nhà nước cũng từng khuyến cáo người dân không sử dụng giấy tờ tùy thân của mình để mở hộ tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng cho người khác hoặc cho người khác mượn giấy tờ tùy thân để mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng bất hợp pháp. Bộ Công an cũng nhiều lần cảnh báo những chiêu lừa của tội phạm sử dụng công nghệ nhằm chiếm đoạt tiền của khách hàng trong bối cảnh nhu cầu vay vốn tín dụng, giao dịch trực tuyến tăng mạnh. Theo đó, Không tiết lộ, cung cấp thông tin cá nhân, giấy tờ tuỳ thân cho bất kỳ ai nếu thật sự không cần thiết và nhìn nhận được rủi ro. Khi mất giấy tờ tuỳ thân cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an ngay lập tức và lưu trữ các chứng cớ này để đảm bảo quyền lợi bản thân khi phát sinh các sự việc ngoài mong muốn có liên quan. Không quay, chụp đưa thông tin cá nhân lên mạng để tránh bị kẻ gian lợi dụng…
“Việc nhiều người hiện còn lơ là, chưa coi trọng việc bảo mật thông tin cá nhân và các giấy tờ tuỳ thân; hệ thống dữ liệu về dân cư của Việt Nam chưa được hoàn thiện, thống nhất. Các tổ chức tín dụng ngày càng thông thoáng hơn trong mở tài khoản trực tuyến, trong khi sự phối hợp liên thông liên kết thông tin giữa các công ty tài chính và ngân hàng còn nhiều hạn chế, cũng là kẽ hở để các đối tượng lừa đảo nhắm tới một cách bài bản và có hệ thống” – một chuyên gia tài chính nhận xét.