> Sinh viên mặc đồ lót đến trường
Tại khuôn viên một ngôi trường trung học cơ sở ở thành phố Hàng Châu, Trung Quốc, các học sinh cả nam và nữ được nghe một qui định mới rất quan trọng. Bất kỳ lúc nào, các em học sinh nam và nữ cũng phải ở xa nhau tối thiểu nửa mét. Ngoài ra, các em học sinh nam và nữ không được phép đi trong trường thành từng cặp.
Một ngôi trường khác ở thành phố Ôn Châu, tỉnh Chiết Giang, đã cấm cái mà trường này gọi là “tiếp xúc gần gũi” giữa học sinh nam và nữ cũng như các học sinh cùng giới tính. Tuy nhiên, trường này không định nghĩa “tiếp xúc gần gũi” nghĩa là gì.
Các quan chức giáo dục ở thành phố Ôn Châu đe dọa sẽ “kỉ luật nghiêm” những học sinh nào vi phạm.
Theo BBC, trong lúc có báo cáo rằng tình trạng yêu sớm (dù không có quan hệ tình dục) đang ngày càng trở nên phổ biến tại các trường trung học cơ sở ở Trung Quốc, các nhà quản lý giáo dục và cả phụ huynh nước này tỏ ra lo ngại con em mình sẽ sa sút trong học tập.
Vì thế, một số người đã tìm cách ngăn chặn tình trạng yêu sớm trong trường học bằng các biện pháp cứng rắn.
Các giáo viên và phụ huynh ở Trung Quốc muốn con em mình không yêu sớm để tập trung học hành. |
Tình yêu bồng bột
Người Trung Quốc coi tình yêu ở lứa tuổi niên thiếu là điều không tốt, và là thứ tình cảm không chín chắn.
Các nhà quản lý trường học và giáo dục ngày càng ra sức cung cấp thông tin cho giới trẻ về “những hậu quả phiền phức” từ kiểu tình yêu này. Có cả các trang web chuyên hướng dẫn cách tránh sự lôi cuốn của bạn khác giới và chỉ tập trung vào học tập. Các trường học ở Trung Quốc cũng tổ chức các buổi học về giới tính.
Cả giáo viên và phụ huynh đều cho rằng học sinh không được sao nhãng trong học tập và phải tập trung vào việc học để có cơ sở tốt cho tương lai.
Các trường học ở Hàng Châu và Ôn Châu đã hành động để đạt mục tiêu đó và một số người cho rằng các trường đó cần phải được khen ngợi.
“Kì cục và trái phép”
Tuy nhiên các qui định này cũng được chào đón bằng hàng loạt dòng đăng tải giận dữ trên mạng Internet ở Trung Quốc.
Nhiều người cho rằng các qui định trên là “dã man và mang tính cưỡng bức”. “Làm sao có thể lúc nào cũng nhăm nhe đo khoảng cách giữa các học sinh nam và nữ chứ?”, một cư dân mạng đặt câu hỏi.
Báo chí nhà nước cũng góp chung tiếng nói phản đối. Tờ Thanh niên Trung Quốc nhật báo đã gọi các biện pháp trên là “kì cục, nực cười và trái phép”.
“Việc thanh thiếu niên yêu đương là bình thường. Không nên khuyến khích tình yêu tuổi học trò nhưng cũng không nên sử dụng các biện pháp cực đoan và mang tính cưỡng bức như thế”, tờ báo này nhận xét.
Một học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông ở Bắc Kinh cho biết các trường học đều có qui định cấm học sinh nam và nữ quá thân mật với nhau nhưng giáo viên có toàn quyền trong việc thực thi các qui định đó và một số giáo viên không nghiêm khắc.
Một nữ sinh trung học phổ thông ở Thượng Hải thừa nhận rằng tình yêu học đường đang ngày càng trở nên phổ biến. Tuy nhiên, học sinh này cho rằng: “Nếu một số cặp đôi tốt nghiệp và kết hôn thì điều đó không phải là xấu”.
“Chẳng có gì sai nếu học sinh yêu nhau miễn là điều đó không ảnh hưởng tới kết quả học tập của họ”, một học sinh khác ở Bắc Kinh nói.
Các qui định của một số trường trung học cơ sở ở Hàng Châu và Ôn Châu bị cư dân mạng Trung Quốc phản đối dữ dội. |
Học sinh không còn trong sáng, ngây thơ?
Giáo sư Zhang Yuling, giáo sư về giáo dục học tại trường Đại học Nam Kinh, cho rằng qui định của các trường trung học cơ sở nói trên phản tác dụng bởi lẽ các giá trị đạo đức ở Trung Quốc giờ đã thay đổi.
“Các trường học đối xử với học sinh như tù nhân và dư luận không đồng tình với điều đó”, ông nhận xét.
“Cách đây 30 hoặc 40 năm trước khi Trung Quốc cải cách và mở cửa, học sinh đều rất trong sáng và ngây thơ xét về vấn đề tình dục. Nhưng giới trẻ ngày nay đang tiếp xúc với nhiều thông tin hơn các thế hệ trước. Dư luận đặc biệt lo ngại trước tình trạng thanh thiếu niên có thể tiếp xúc dễ dàng với sách báo khiêu dâm”, ông nói.
Dù có thêm trường học nào ở Trung Quốc áp dụng các biện pháp nói trên để giám sát chuyện tình cảm và các mối quan hệ của học sinh hay không thì chủ đề này sẽ còn tiếp tục được thảo luận nhiều ở quốc gia này.
Nhưng nhiều người đặt câu hỏi liệu các qui định trên có thực sự làm giảm tình trạng yêu sớm hay lại càng khuyến khích học sinh “yêu trộm” để thử cảm giác phá vỡ các qui định.
Theo Tùng Lâm
Infonet