Chị Nguyễn Thu Hà, có 2 con đang học trường công tiểu học và THCS tại Hà Nội cho biết, từ ngày có dịch COVID-19, gia đình đã gửi 2 con về quê cho ông bà trông. Vì ở lại Thủ đô, vợ chồng vẫn đi làm cả ngày, không có người trông. Những năm trước, hè đến, chị thường cho con tham gia các hoạt động hè như: đi trại hè, đi bơi, đá bóng… Ngoài ra, dù có nghỉ học ở trường con vẫn đi học thêm tuần 3-4 buổi Ngoại ngữ và học vẽ. Tuy nhiên, năm nay vì dịch bệnh, mọi hoạt động đều bị gác lại. Thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa có kế hoạch cụ thể về năm học mới nên không biết con sẽ đi học trực tiếp ở trường hay học trực tuyến.
Chị Hà nói rằng, đương nhiên sẽ ưu tiên sức khoẻ, sự an toàn của con lên trên hết nhưng nếu vì dịch bệnh phải học trực tuyến, gia đình sẽ rất vất vả. Bởi vì, con chị Hà năm nay một bạn học lớp 5, một bạn học lớp 2, chưa tự lập để có thể ở nhà lo cơm nước và học trực tuyến. “Trong năm học trước, mình đã phải xin nghỉ việc hoàn toàn để hướng dẫn, hỗ trợ máy tính cho con học cũng như lo ăn uống, trông con”, chị Hà nói.
Không gửi con về quê nhưng gia đình anh Trần Văn Dương ở quận Thanh Xuân cho biết, sau khi con kết thúc kỳ nghỉ hè muộn 15/7, rồi dịch bùng phát đến nay, cả 2 đứa trẻ gần như bị nhốt trong nhà. Lo dịch bùng phát, chung cư nơi gia đình ở cũng kiểm soát rất chặt bằng cách yêu cầu người đi lên, đi xuống thang máy phải đeo khẩu trang, đo nhiệt độ, sát khuẩn…
Trước đây, cuối tuần trẻ con được bố mẹ đưa đi khu vui chơi hoặc ít nhất ra ngoài ăn sáng, đi cà phê đọc sách. Từ ngày có dịch, mọi hoạt động ăn uống, vui chơi đều diễn ra trong căn phòng mấy chục mét vuông. “Không có chỗ chơi, trẻ tù túng, bức bối, làm bạn chủ yếu với tivi vì thế gia đình rất mong dịch được khống chế, con được đến trường khai giảng năm học mới, đi học để có bạn bè”, anh Dương nói.
Trên các nhóm, diễn đàn phụ huynh đều băn khoăn hỏi nhau kế hoạch dạy học của các trường năm học mới ra sao để có sự chuẩn bị.
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT đã đưa ra 3 phương án về việc dạy học trực tuyến, khi lấy xong ý kiến, dự thảo ban hành, có thể áp dụng dạy học trong năm nay. Cụ thể, các trường có thể dạy 1 phần trực tiếp, 1 phần trực tuyến; dạy hoàn toàn bằng trực tuyến hoặc giao cho học sinh tìm hiểu thông tin, tư liệu trực tuyến trước sau đó lên lớp học trực tiếp. Tuy nhiên, đến nay Hà Nội vẫn chưa xác định được phương án cụ thể.
Các trường chờ hướng dẫn của Sở GD&ĐT
Thời điểm này năm ngoái, học sinh các trường ngoài công lập đã học được khoảng 3 tuần, học sinh các trường công lập cũng tựu trường từ 15/8. Tuy nhiên, năm nay do học sinh nghỉ hè muộn, Bộ GD&ĐT yêu cầu, các nhà trường không được cho học sinh tựu trường trước 1/9.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, năm học 2020-2021, học sinh tựu trường sớm nhất ngày 1/9 và khai giảng năm học mới ngày 5/9. Trong điều kiện thiên tai, dịch bệnh, Giám đốc Sở GD&ĐT đề xuất phương án nghỉ học hay kéo dài năm học lên UBND TP quyết định. Tuy nhiên, thời điểm này, Hà Nội vẫn chưa có thông báo mới về tình hình dạy học cụ thể cũng như kế hoạch tổ chức lễ khai giảng năm học mới ra sao.
Trong khi đó, hàng loạt trường ngoài công lập đã thông báo lùi thời gian học sinh tựu trường 2 lần. Cụ thể, như trường Marie Curie Hà Nội; Nguyễn Bỉnh Khiêm; THCS Đoàn Thị Điểm…đều đã thông báo lùi thời gian học sinh tựu trường sang tháng 9.
Riêng trường THCS -THPT Lương Thế Vinh cho học sinh học trực tuyến từ 17/8 và lên 2 phương án cho lễ khai giảng gồm: trực tiếp và trực tuyến. Đa số các trường học khác đều đang chờ đến cuối tháng 8 xem xét tình hình dịch bệnh mới đưa ra phương án.
Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD&ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội) cho biết, thời điểm này, Phòng GD&ĐT cũng đang chờ hướng dẫn của Sở. Do đó, đơn vị chưa có kế hoạch cụ thể cho lễ khai giảng cũng như kế hoạch dạy học năm học mới ra sao.
Còn hiện nay, theo kế hoạch khung năm học của UBND TP Hà Nội vừa mới ban hành, các trường cho học sinh tựu trường sớm nhất ngày 1/9; ngày 5/9 sẽ tổ chức lễ khai giảng cho hơn 2 triệu học sinh các trường trên toàn TP.