Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, năm học 2019-2020 là năm học “đặc biệt”, đầy khó khăn, thách thức đối với ngành giáo dục khi phải đối mặt và chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19, Bộ GD&ĐT đã thực hiện điều chỉnh kế hoạch năm học 2 lần và thời điểm kết thúc năm học chậm gần 2 tháng so với những năm học trước.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, năm 2020 ngành giáo dục đã có những kết quả nổi bật, trong đó phải kể đến thành công của kỳ thi tốt nghiệp THPT và đổi mới phương thức dạy học. Cơ sở vật chất từ mầm non đến ĐH đầu tư rất tốt, đầu tư cho giáo dục rất lớn. Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương tinh giản biên chế nhưng không thể để trường lớp thiếu giáo viên. Với giáo dục phổ thông, phải đảm bảo đủ trường lớp, giáo viên, để học sinh được học 2 buổi/ngày thuận lợi. Giáo dục phổ thông phải bình đẳng về cơ hội, không được thi để lựa chọn đầu vào, trường chuyên lớp chọn nhiều quá.
Tại hội nghị, lãnh đạo các địa phương bày tỏ sự lo lắng về tình trạng thiếu giáo viên, bất cập trong tinh giản biên chế và định mức giáo viên. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Đức Trung, để đáp ứng đủ giáo viên, Nghệ An xin bổ sung hơn 7.800 giáo viên mầm non và phổ thông để đáp ứng triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018 và chương trình giáo dục phổ thông sau năm 2020.
Ông Nguyễn Văn Tân, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cũng chia sẻ, quá trình sắp xếp, sáp nhập đã giảm 47 trường, 301 điểm trường và hơn 2.000 biên chế. "Đề nghị Bộ GD&ĐT và Bộ Nội vụ hạ thấp tiêu chuẩn, tiêu chí tuyển dụng để giải quyết khó khăn về nguồn tuyển. Với vùng đồng bào dân tộc miền núi giáo viên của bậc học mầm non có trình độ trung cấp là đạt, Tiểu học nên là giáo viên có trình độ Cao đẳng", ông Tân nói.
Về ngữ liệu SGK, bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long cho rằng, Bộ GD&ĐT phải quan tâm đến ý kiến đội ngũ giáo viên, những người trực tiếp đứng lớp. Đây là kênh thông tin rất quan trọng từ thực tế, giúp Bộ và Hội đồng thẩm định có sự lựa chọn SGK sát hơn.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ GD&ĐT sẽ tổ chức thẩm định, phê duyệt SGK theo lộ trình đảm bảo chất lượng, không để xảy ra những hạn chế, thiếu sót như sách tiếng Việt lớp 1 thời gian qua. “SGK phải được sử dụng ổn định, lâu dài, tránh lãng phí, với giá cả phù hợp với thu nhập của đa số người dân”, lãnh đạo Bộ GD&ĐT nhấn mạnh. Bộ sẽ phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm trong việc sử dụng SGK, sách tham khảo trong các nhà trường.
Đối với giáo dục đại học (ĐH), theo đánh giá của Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, năm học 2019-2020, đã có sự chuyển mình trong nỗ lực vươn cao với tinh thần tự chủ và trách nhiệm xã hội. Hiện có 172/240 cơ sở GDĐH đã thành lập Hội đồng trường. Nhiều cơ sở GDĐH đã chủ động dừng đào tạo, tuyển sinh các ngành nghề không còn phù hợp với nhu cầu. Đáng chú ý, năm 2020, lần đầu tiên một tạp chí khoa học của Việt Nam được lọt vào danh sách 25% tạp chí khoa học uy tín nhất thế giới.
Tính đến hết tháng 5/2020, gần 160 cơ sở GDĐH Việt Nam và 295 chương trình đào tạo đã được kiểm định chất lượng bởi các tổ chức kiểm định uy tín trong nước, khu vực và quốc tế. Không chỉ kiểm định trong và đánh giá ngoài theo các bộ tiêu chuẩn, các cơ sở GDĐH Việt Nam đã không ngừng vươn cao khi liên tiếp tham gia các Bảng xếp hạng uy tín của thế giới, đạt những vị thế đáng tự hào. Lần đầu tiên có 4 cơ sở GDĐH từng lọt vào tốp 1.000 đại học tốt nhất thế giới. Nhiều nhóm ngành đào tạo lọt bảng xếp hạng thế giới.
Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận, ngành vẫn còn tồn tại những vấn đề như: cơ sở vật chất trường lớp còn thiếu, xuống cấp; thiếu trường, lớp ở một số khu đô thị, khu công nghiệp; giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống chưa được chú trọng đúng mức. Đặc biệt, quản lý nhà nước về giáo dục còn bất cập, việc quản lý SGK và tài liệu tham khảo chưa tốt, còn gây bức xúc trong nhân dân. Chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế, thiếu nhân lực trong các ngành kinh tế mũi nhọn, các ngành phục vụ kinh tế số.