> Nguy cơ 'nam hóa' trong năm Nhâm Thìn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết từ năm 2006 đến nay, tỷ số MCBGTKS luôn trong xu hướng tăng và tăng mạnh, hiện đã cao tới mức nghiêm trọng: 112,3 vào đầu năm 2012.
Có tới 18 tỉnh/thành phố có tỷ số giới tính khi sinh 115 trở lên. Theo Bộ Y tế, nếu không có sự can thiệp tích cực thì tỷ số giới tính khi sinh của Việt Nam có thể tiếp tục tăng lên khoảng 125 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì ở mức này cho đến năm 2050.
Như vậy, vào năm 2050 mức này tương ứng với việc dư thừa khoảng 12% nam giới tuổi dưới 50.
Cùng với đó sẽ kéo theo nhiều hệ quả như toàn bộ cơ cấu dân số theo tuổi sẽ bị thay đổi; tình trạng thừa nam, thiếu nữ khi những đứa trẻ được sinh ra bởi lựa chọn giới tính khi bước vào tuổi kết hôn sẽ dẫn đến những hệ lụy khó lường về xã hội, an ninh và trật tự an toàn xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống của cá nhân, gia đình và là tai họa đối với sự phát triển bền vững của đất nước, dân tộc.
Cùng với đó, do Việt Nam nằm trong khu vực có nhiều nước đã xảy ra tình trạng MCBGTKS từ trước, phải chịu áp lực với làn sóng phụ nữ di cư ra nước ngoài vì lý do hôn nhân, thì hậu quả mất cân bằng giới tính khi sinh như đang diễn ra nếu không được khống chế sẽ nặng nề hơn nhiều so với các nước có tình trạng tương tự.
Trước thông tin sẽ cắt giảm kinh phí cho truyền thông dân số- kế hoạch hoá gia đình năm 2013, ông Vũ Văn Nhạ, Phó chi cục trưởng Chi cục Dân số tỉnh Hưng Yên cho biết: “Trong công tác dân số kế hoạch hoá gia đình thì truyền thông đứng vị trí quan trọng nhằm giúp đưa kiến thức và chính sách dân số tới người dân để thay đổi hành vi một cách bền vững. Việc cắt giảm toàn bộ kinh phí truyền thông sẽ dẫn tới khó khăn cho các địa phương.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân nhận định tình trạng MCBGTKS sẽ không thể giảm nhanh được trong thời gian tới nhưng vẫn phải làm.
Bên cạnh những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác truyền thông vận động cần được đẩy mạnh; từng bước vận động người dân giảm tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”; giáo dục con cái có trách nhiệm với cha mẹ không phân biệt con trai, con gái.