Bộ LĐ-TB&XH cho biết, năm 2022, khi dịch COVID-19 cơ bản được kiểm soát, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước đã linh động nhiều giải pháp để mở rộng hoạt động tuyển sinh. Đặc biệt, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động khai thác, phát huy lợi thế từ công nghệ thông tin, mạng xã hội vào công tác tuyển sinh năm 2022.
Kết quả tuyển sinh của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tính đến hết tháng 8 vừa qua đạt hơn 1,4 triệu người (đạt hơn 70% kế hoạch). Với tiến độ này, Bộ LĐ-TB&XH ước cả năm nay sẽ tuyển sinh được trên 2,4 triệu học sinh, sinh viên học nghề (vượt 16% so với kế hoạch cả năm).
Trong đó, tuyển sinh trình độ cao đẳng, trung cấp nghề đạt hơn 530 nghìn học sinh, sinh viên; tuyển sinh trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác đạt hơn 1,9 triệu người.
Để đạt được những kết quả tích cực nêu trên, Bộ LĐ-TB&XH đã tích cực đẩy mạnh tiến độ xây dựng, hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật; ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chủ động, linh hoạt trong công tác tuyển sinh; đẩy mạnh công tác truyền thông, hướng nghiệp, phân luồng, liên thông và tổ chức đào tạo; xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động chuyên môn.
Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2022 đạt hơn 2,4 triệu người học. |
Gần đây, nhiều chính sách, đề án quan trọng của lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đã được Thủ tướng phê duyệt, như: Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045; Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch triển khai Khung trình độ quốc gia Việt Nam đối với các trình độ giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025...
Bộ LĐ-TB&XH cũng ban hành các văn bản hướng dẫn triển khai, thực hiện các quy định, định hướng, đề án trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, dạy nghề; Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chính sách, quy định liên quan, kịp thời ghi nhận và tháo gỡ vướng mắc để hỗ trợ các trường trong tuyển sinh, nâng cao chất lượng đào tạo nghề…
Nhiều văn bản được ban hành theo hướng tích hợp các hướng dẫn chi tiết để các bộ ngành, địa phương, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện ngay sau khi quy định có hiệu lực. Cụ thể như hướng dẫn thi hành Nghị định 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Thủ tướng về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục; chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Triển khai Nghị định 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập...
Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH dự kiến tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đạt hơn 2,6 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng và trung cấp hơn 530 nghìn người; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác tuyển sinh hơn 2,15 triệu người.
Để đạt được mục tiêu trên, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, sẽ tiếp tục tăng cường các hoạt động tuyên truyền để người dân hiểu hơn về học nghề, từ đó định hướng và lựa chọn học nghề. Hướng tới đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề, bằng cấp để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH tổ chức các hoạt động tư vấn hướng nghiệp, các ngày hội tư vấn hướng nghiệp để tuyển sinh cho các trường nghề; tạo môi trường hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tìm kiếm ý tưởng sáng tạo của học sinh, sinh viên học nghề.
Hiện cả nước có hơn 1.900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 412 trường cao đẳng, 435 trường trung cấp, hơn 1.000 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Tổng số cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập là 690 cơ sở (chiếm 36,2%).
Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tiếp tục triển khai đề án sắp xếp lại cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên toàn quốc, để nâng cao chất lượng dạy nghề, nên sẽ tiếp tục sáp nhập một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp… Mục tiêu tới cuối năm 2022, cả nước chỉ có khoảng 1.887 cơ sở giáo dục nghề nghiệp.