Quá tham vọng?
Theo TS. Phạm Hùng Hiệp, kỳ thi THPT quốc gia hiện nay đang phải gánh quá nhiều mục tiêu. Nghị quyết 29 đưa ra 5 mục tiêu: giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội, đảm bảo độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp và ĐH. Năm mục tiêu trong một kỳ thi là quá tham vọng, ông nói: Dường như kỳ thi mới chỉ đáp ứng được mục tiêu bớt áp lực, giảm tốn kém. Những mục tiêu còn lại có vẻ là không đạt được như kỳ vọng.
Trong khi đó, giao quyền cho các Sở GD&ĐT trong coi thi và chấm thi một phần để giảm áp lực, giảm tốn kém cho xã hội nhưng lại mâu thuẫn với mục tiêu tin cậy và trung thực. Vì vi phạm quy tắc độc lập, người địa phương chấm bài cho học sinh địa phương. Có lẽ, trước sự việc vừa qua tại Hà Giang và Sơn La, chúng ta phải ưu tiên mục tiêu tin cậy hơn mục tiêu giảm tốn kém, ông nói.
Theo TS. Hiệp, kỳ thi THPT quốc gia cần hoàn thiện và cải tiến. Mọi thay đổi bây giờ rất khó, tính ổn định cần được đề cao hơn. “Thậm chí, không nên kỳ vọng quá nhiều, mà mục tiêu của kỳ thi cũng nên đặt ở mức độ vừa phải”, TS. Hiệp nói. Các giải pháp để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, hạn chế tiêu cực đã được giới chuyên gia bàn nhiều. Nhưng không nên kỳ vọng kỳ thi THPT quốc gia này là căn cứ cốt yếu cho toàn bộ các trường ĐH, CĐ xét tuyển. Có lẽ, những trường đại trà có thể sử dụng kết quả này, những trường đặc thù và định hướng nghiên cứu cao chỉ coi đó như một điều kiện cần. Về mặt quản lý, có thể để các trường tự vận động hoặc Nhà nước có chính sách can thiệp nhất định, như bắt buộc hoặc khuyến khích những trường đào tạo theo hướng tinh hoa hoặc đặc thù có thêm một kỳ đánh giá.
Mỗi trường ÐH khó có một kỳ thi riêng
Tuy nhiên, theo PGS. Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội, nếu kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức tốt thì trường sẽ vẫn dùng kết quả này để xét tuyển. Việc tổ chức một kỳ thi riêng là tốn kém và có nhiều rủi ro. “Tôi cho rằng, những giải pháp Bộ GD&ĐT đưa ra để cho mùa thi năm sau là hợp lý. Cần phải tìm tất cả các loại khóa để khóa được những tiêu cực. Tuy nhiên, cha ông ta cũng nói, khóa cũng chỉ phòng người ngay chứ không phòng được kẻ gian. Một cuộc thi có 1 triệu người dự thi, phải chấp nhận sai số một số phần trăm nào đó. Với tôi, dưới 5% là chấp nhận được”, ông Hinh nói.
PGS. Trần Văn Tớp, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng, việc tổ chức một kỳ thi riêng hay một phương thức tuyển sinh khác, trường đã có suy nghĩ và cũng sẽ có đề xuất. Nhưng việc tổ chức một kỳ thi riêng không đơn giản như mọi người vẫn nghĩ mà phải chuẩn bị hết sức chu đáo để đảm bảo công bằng, khách quan cho người học, cũng như tránh tình trạng tổ chức công phu nhưng lượng thí sinh "ảo" lớn. “Có thể từ năm học này chúng tôi sẽ đề xuất và xem xét phương án tuyển sinh của ĐH Bách khoa Hà Nội, dựa trên cơ sở của kết quả thi THPT quốc gia các năm tới. Nhưng trong tương lai, kết quả thi THPT Quốc gia chỉ như một điều kiện sơ tuyển. Nhưng điều này phải được cân nhắc một cách khoa học và cẩn trọng”, PGS Tớp thông tin.
TS Hiệp cho rằng, việc các trường ĐH e ngại tổ chức một kỳ thi riêng có thể có ít nhất hai nguyên nhân. Thứ nhất là tốn kém mà chưa chắc đã hiệu quả. Thứ hai, bản thân kỳ thi riêng sẽ lộ “thương hiệu” thật của các trường. “Không khéo, thi riêng, một số trường lại không tuyển sinh được. Trong khi đó, mục tiêu hiện nay của các trường muốn tồn tại phải có sinh viên”, TS. Hiệp nói. Theo TS. Hiệp, khác với các trường ĐH lớn trên thế giới, các trường ĐH Việt Nam cả trường công và trường tư vẫn phải dựa vào nguồn học phí. Điều này khiến nhiều trường chùn bước khi quyết định tuyển sinh riêng, ông nói.
“Bộ sẽ nghiên cứu thấu đáo nhưng quan điểm của Bộ việc bỏ thi THPT quốc gia trong những năm tới là chưa thể thực hiện được. Tuy nhiên, Bộ sẽ cố gắng để kỳ thi này bảo đảm thực chất hơn, đánh giá đúng chất lượng giáo dục của các địa phương” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh.
Chờ chương trình SGK mới
Theo TS. Hiệp, kỳ thi THPT quốc gia nên giữ ổn định ít nhất đến khi có chương trình sách giáo khoa mới. Vì hiện nay, tuy chỉ có một bộ sách giáo khoa chung nhưng chưa có một thước đo nào khác ngoài kỳ thi này để đánh giá chất lượng dạy và học giữa các vùng miền. Khi có chương trình sách giáo khoa mới, có thể lúc đó, sẽ có bộ công cụ đánh giá, kiểm tra hoàn chỉnh hơn thì mới nghĩ tới việc bỏ kỳ thi THPT quốc gia.