Myanmar hứng 'bão' COVID-19

0:00 / 0:00
0:00
Các tình nguyện viên đưa thi thể một người qua đời vì COVID-19 ở bang Chin, Myanmar đi hoả táng Ảnh: AP
Các tình nguyện viên đưa thi thể một người qua đời vì COVID-19 ở bang Chin, Myanmar đi hoả táng Ảnh: AP
TP - Bà Khin Nwe Soe bắt một chiếc taxi đi hết xưởng này sang xưởng khác trên khắp thành phố Yangon, tuyệt vọng tìm bình ôxy cho con trai 21 tuổi. Kết quả test tại nhà cho thấy anh đã mắc COVID-19. Anh đang bị đau, chỉ có thể nằm một chỗ, và lượng ôxy trong người đã giảm xuống 90%.

“Mẹ tôi rất cố gắng, xếp hàng tất cả mọi chỗ có thể vì em tôi đang cần ôxy”, Aye Myat Noe, con gái bà Khin Nwe Soe, kể. Chị Aye Myat Noe đang sống ở nước ngoài nhưng đã gọi điện cho nhiều nhà cung cấp ôxy để giúp mẹ. “Mẹ tôi bị nhiều bệnh, trong đó có bệnh tim và tiểu đường. Bà ấy cũng rất sợ, nhưng đang mạo hiểm mạng sống của mình để tìm ôxy”, Aye Myat Noe kể với báo Guardian. Qua điện thoại, một số nhà máy hứa cung cấp ôxy, nhưng khi đến nơi mẹ của chị lại bị từ chối. Những chỗ khác nói rằng họ không thể cho thêm nhiều người vào hàng chờ, vì đã có quá nhiều người đợi.

Nhiều người xếp hàng dài trước các nhà máy ôxy ở Yangon trong tuần qua, khi dịch COVID-19 đang lây lan nhanh chóng trên khắp cả nước. Người dân bất chấp lệnh giới nghiêm mà đứng xếp hàng cả trong đêm tối. Mạng xã hội ngập tràn lời khẩn cầu giúp đỡ. “Lượng ôxy của tôi đã giảm xuống 55%. Tôi cần thêm oxy. Những người cao tuổi trong nhà tôi cũng cần. Chúng tôi có thể tự đến lấy. Xin hãy giúp chúng tôi”, một sinh viên viết trên Facebook. Khẩn cầu này được đăng lại 11 lần, cho đến khi anh qua đời hôm 19/7.

Đợt bùng phát lần này xảy ra vào thời điểm không thể tồi tệ hơn. Cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 2 đã khiến các bệnh viện Myanmar sụp đổ và đẩy chương trình xét nghiệm và tiêm chủng vào hỗn loạn. Hôm qua Myanmar có thêm 5.189 ca mắc và 281 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca mắc và tử vong vì COVID-19 của nước này lên tương ứng là 234.781 và 5.281, theo số liệu từ chính quyền quân sự Myanmar. Tình trạng xét nghiệm và điều trị hạn chế khiến các chuyên gia cho rằng số người mắc trên thực tế cao hơn nhiều.

Ông Joy Singhal, trưởng phái đoàn tổ chức Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế tại Myanmar, cho biết nhu cầu ôxy và dịch vụ y tế đang tăng cao vì số bệnh nhân tăng vọt trên cả nước. “Với sự hoành hành của các biến chủng mới, chúng tôi sợ rằng con số thống kê hiện nay chỉ là phần nổi của tảng băng chìm”, ông Singhal nói.

Thiếu niềm tin

Người dân Myanmar đang đối diện với lựa chọn khó khăn: ở lại cơ sở do quân đội giám sát trong khi họ đang phản đối cuộc đảo chính và trấn áp của quân đội, hay chấp nhận rủi ro lây bệnh cho người nhà.

Sau cuộc đảo chính, nhiều công chức tham gia biểu tình đã bị đuổi khỏi nhà công vụ. Giờ họ phải sống trong điều kiện chật chội hơn. Gia đình bà Khin Nwe Soe dùng tủ quần áo để chia phòng trong căn hộ chung cư. Cuối cùng, bà mua được một bình ôxy với giá 400.000 kyat (5,6 triệu đồng) cho người con đang mắc COVID-19. Đây là mức giá mà nhiều người không thể trả nổi. Khi bà bê bình ôxy về căn hộ, hàng xóm sống ở những tầng dưới nghe tin đã kéo lên nhà bà. “Con cái của họ liên tục ấn chuông gọi cửa và van xin mẹ tôi cứu mẹ họ. Họ van xin mẹ tôi nhường bình ôxy cho họ. Đó là bình ôxy mà mẹ tôi đã liều mạng để mang được về nhà”, Aye Myat Noe kể.

Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, trên truyền hình nói rằng đúng là quốc gia này đang “hơi thiếu nguồn ôxy”, nhưng nguyên nhân là do người dân hoảng hốt mà mua tích trữ. Ông cáo buộc “những người có ý định xấu” lan truyền tin đồn giả rằng quân đội đang cắt nguồn cung ôxy cho người dân, theo AP. Nhiều y, bác sĩ tham gia cuộc biểu tình đã bị đuổi khỏi các bệnh viện công. Ít nhất 157 y, bác sĩ bị bắt từ khi xảy ra đảo chính, trong khi hàng trăm người khác bị truy nã. Các cơ sở y tế liên tục bị lục soát, xe cứu thương bị đốt và các nhân viên y tế bị tấn công. Trước đó, Myanmar là một trong những nước đầu tiên ở Đông Nam Á triển khai chương trình tiêm vắc-xin ngừa COVID-19. Nhưng hoạt động này đang chững lại, một phần do người dân thiếu tin tưởng quân đội. Mới có chưa đến 4% dân số Myanmar được tiêm một mũi vắc-xin.

Tuần trước, Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc ở Myanmar Tom Andrews kêu gọi cộng đồng quốc tế lập tức hỗ trợ giải quyết khủng hoảng COVID-19 ở Myanmar trước khi nước này trở thành quốc gia siêu lây nhiễm. Ông nói rằng Myanmar đang đứng trước “một trận bão” khi người dân không tin tưởng vào chính quyền, chính quyền quân sự cũng thiếu nguồn lực, khả năng và tính chính danh để kiểm soát cuộc khủng hoảng, trong khi biến chủng Delta lây lan khủng khiếp.

Tình trạng bùng phát lây nhiễm không chỉ gây khủng hoảng cho Myanmar mà còn trở thành mối quan ngại lớn về an ninh y tế toàn cầu. Trung Quốc đã ghi nhận số ca mắc theo ngày tăng cao nhất ở tỉnh Vân Nam, địa phương giáp biên giới với Myanmar. Trung Quốc có thêm 65 ca mắc mới trong ngày 19/7, cao hơn đáng kể so với con số 31 của ngày trước đó, Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc cho biết. Riêng tỉnh Vân Nam có 41 ca mắc là công dân Trung Quốc trở về từ Myanmar.

MỚI - NÓNG