Chính quyền quân sự Myanmar ngày 1/4 yêu cầu các nhà cung cấp Internet dừng cung cấp dịch vụ băng thông rộng không dây tại nước này cho tới khi có thông báo mới. Chỉ thị này ảnh hưởng đến phần lớn hộ gia đình và doanh nghiệp do họ chủ yếu sử dụng kết nối Internet không dây và ít khi dùng mạng có dây.
Các nhóm biểu tình tại Myanmar đã chia sẻ tần số vô tuyến, các ứng dụng ngoại tuyến không cần kết nối Internet và sử dụng tin nhắn SMS để liên lạc. Người biểu tình vẫn tìm cách đăng ảnh các cuộc tuần hành, "đình công hoa" và đám tang của một người thiệt mạng trong đụng độ với lực lượng an ninh.
Hiện chính phủ quân sự Myanmar vẫn chưa có bình luận gì sau động thái trên.
Ngày 2/4 vừa qua, các lực lượng an ninh Myanmar vẫn tiếp tục nổ súng trấn áp biểu tình tại Mandalay, thành phố lớn thứ hai đất nước, khiến 4 người bị thương, trong đó hai người ở tình trạng nghiêm trọng, truyền thông nước này đưa tin.
Tại thị trấn Tamu gần biên giới với Ấn Độ, một cựu cảnh sát quay sang phe biểu tình thiệt mạng trong đụng độ với an ninh Myanmar. Một nhân viên địa phương của ngân hàng Hàn Quốc tại Yangon chết ngày 2/4, sau khi trúng đạn vào đầu trong lúc đi trên xe buýt hai ngày trước đó.
Biểu tình bùng phát ở nhiều nơi sau khi quân đội Myanmar bắt Cố vấn Nhà nước Aung San Suu Kyi và tiếp quản quyền lực hôm 1/2, khiến lực lượng an ninh dùng vũ lực trấn áp. Tổ chức Hiệp hội Tù nhân Chính trị (AAPP) cho biết hơn 540 người thiệt mạng trong các vụ đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh Myanmar. Giới chức Mayanmar cho biết nhiều người chết vì "kích động bạo lực".
Thống tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, trong bài phát biểu hôm 1/4 tuyên bố quân đội đơn phương ngừng bắn với các nhóm phiến quân tới 30/4 nhằm tiếp tục đàm phán hòa bình và để người dân tổ chức lễ té nước Thingyan diễn ra ngày 13-16/4 trong yên bình.
Tuy nhiên, tướng Min Aung Hlaing khẳng định lệnh ngừng bắn này không bao gồm các hoạt động của quân đội nhằm "đảm bảo trật tự công cộng trước các hành vi cản trở hoạt động của chính phủ", đề cập đến các cuộc biểu tình chống chính quyền quân sự.
Cố vấn Suu Kyi, ba bộ trưởng của chính quyền dân sự Myanmar và Sean Turnell, chuyên gia kinh tế Australia của bà Suu Kyi, ngày 1/4 bị buộc tội vi phạm Đạo uật Bí mật Chính thức, nhằm bảo vệ an ninh quốc gia và các thông tin mật khác. Phiên tòa xét xử họ tiếp tục được hoãn tới ngày 12/4.
Quân đội Myanmar cáo buộc Suu Kyi nhận hối lộ hơn 600.000 USD tiền mặt cùng 11.2 kg vàng. Ngoài cáo buộc tham nhũng, bà còn bị buộc tội nhập khẩu trái phép thiết bị liên lạc và vi phạm quy tắc chống COVID-19. Cố vấn Suu Kyi có thể bị cấm tham gia chính trị nếu bị kết tội.