Mỹ, Trung ký thỏa thuận thương mại, thế giới vẫn lo

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay trong buổi họp báo ngày 15/1 tại Washington. Ảnh: Getty.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc bắt tay trong buổi họp báo ngày 15/1 tại Washington. Ảnh: Getty.
TPO - Ngày 15/1 (rạng sáng nay theo giờ Việt Nam) tại Washington, Mỹ và Trung Quốc ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng xung đột và bất ổn về thương mại vẫn chưa thôi “ám” kinh tế toàn cầu năm nay, CNN đưa tin.

Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể vẫn tiếp tục trong năm 2020, khi Washington và Bắc Kinh bước vào vòng đàm phán thương mại thứ hai được dự đoán khó khăn hơn tiến trình “giai đoạn một”.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng vướng vào tranh chấp thương mại  với Mỹ - nước đang có quan hệ căng thẳng với các siêu cường phương Tây. Và việc nước Anh sắp rời châu Âu (dự kiến ngày 31/1) cũng đem lại nhiều thách thức về mặt thị trường.

“Quả treo cành thấp”

Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung giai đoạn một là một bước đột phá. Giới chức Mỹ nói rằng, thỏa thauanj sẽ giảm một số dòng thuế và cho phép Trung Quốc tránh thuế bổ sung đánh vào gần 160 tỷ USD hàng hóa của nước này.

Chính quyền Trump cũng nói đã nhận được cam kết từ phía Trung Quốc rằng, họ sẽ mua hàng tỷ USD nông sản Mỹ và giải quyết tình trạng đánh cắp sở hữu trí tuệ Mỹ.

“Chúng ta đang ở điểm lý tưởng? Không. Đây là bước khởi đầu cực tốt? Đúng”, ông Robert Lighthizer, nhà thương thuyết thương mại số một của Tổng thống Mỹ, nói với các phóng viên trước khi lễ ký thỏa thuận diễn ra tại Nhà Trắng.

Nhưng thông tin chi tiết về nội dung thỏa thuận này chưa được công bố. Các nhà kinh tế, nhà phân tích thị trường và chuyên gia thương mại vẫn băn khoăn không biết liệu hai nước có thể đạt được tiến triển thật sự trong các vấn đề thực chất hơn, ví dụ Mỹ yêu cầu chính phủ Trung Quốc giảm đáng kể vai trò của họ trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

“Thỏa thuận này chỉ hái được những quả ở cành thấp thôi”, các nhà phân tích của đơn vị tư vấn nghiên cứu kinh tế Capital Economics (trụ sở ở Anh) nhận định. Theo họ, thỏa thuận ban đầu “không đánh dấu sự chấm dứt căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc”.

Hai bên vẫn đang áp thuế cao đối với nhiều loại hàng hóa của nhau. Khoảng 2/3 tất cả sản phẩm Mỹ nhập từ Trung Quốc, trị giá xấp xỉ 370 tỷ USD/năm, vẫn bị áp thuế sau khi thỏa thuận thương mại giai đoạn một được ký kết, theo phân tích hồi tháng 12/2019 của Viện Kinh tế quốc tế Peterson (Mỹ). Hơn một nửa hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc vẫn bị áp thuế trả đũa.

“Thuế cao đã trở thành điều bình thường mới”, ông Chad Brown, nhà nghiên cứu cấp cao ở Viện Kinh tế quốc tế Peterson, từng là nhà kinh tế của World Bank, nhận xét.

Mỹ, Trung ký thỏa thuận thương mại, thế giới vẫn lo ảnh 1 Cảng container ở Thanh Đảo thuộc tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc hôm 14/1. Ảnh: AP.

Cạnh tranh về trí thông minh nhân tạo, di động 5G

Nhiều chuyên gia khác nêu ra những vấn đề “khó nhằn” hơn sẽ nảy sinh trong tương lai.

Cựu chủ tịch Quỹ Dự trữ liên bang Mỹ Janet Yellen vừa cảnh báo rằng, cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chậm sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, mạng di động 5G và những công nghệ khác liên quan an ninh quốc gia.

Trung Quốc và Mỹ đã sa vào cuộc chiến liên quan tập đoàn công nghệ Huawei của Trung Quốc. Huawei là nhà cung cấp thiết bị viễn thông thuộc nhóm lớn nhất toàn cầu và đang cung cấp thiết bị để xây dựng các mạng 5G.

Sự cọ xát giữa Mỹ và Trung Quốc còn ảnh hưởng kinh tế toàn cầu ở một lĩnh vực khác là năng suất.

“Thế giới đang hướng về các lĩnh vực kinh tế khác biệt tập trung vào Mỹ và Trung Quốc”, ông Mark Williams, nhà kinh tế phụ trách mảng châu Á của Capital Economics, nhận định hồi cuối năm ngoái. Theo ông, cạnh tranh địa chính trị có thể có ý nghĩa tích cực, như chạy đua về không gian giữa Mỹ và Liên Xô trước đây, nhưng “sự hạn chế về dòng chảy con người, công nghệ và ý tưởng” làm giảm năng suất toàn cầu.

Mỹ, Trung ký thỏa thuận thương mại, thế giới vẫn lo ảnh 2 Cạnh tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có thể làm chậm sự phát triển của trí thông minh nhân tạo, mạng di động 5G và những công nghệ khác liên quan an ninh quốc gia. Ảnh: Network World.

Căng thẳng với châu Âu

Trung Quốc không phải là nước lớn duy nhất đang phải vật lộn với Mỹ về thương mại. Chính quyền Trump đang cân nhắc áp thuế lên 2,4 tỷ USD hàng Pháp, bao gồm pho mát, túi xách và rượu champagne, để trừng phạt nước này về “tội” áp thuế mới đối với dịch vụ kỹ thuật số.

Mỹ cho rằng, việc áp thuế mới của Pháp là rào cản thương mại, ảnh hưởng các công ty công nghệ lớn của Mỹ như Facebook, Google… Quản lý chính sách thương mại đại diện cho các nước thành viên, EU đã đe dọa phản ứng nếu bị chọc giận.

Thuế mới sẽ leo thang trong bối cảnh quan hệ giữa Washington và Brussels vốn đã căng thẳng. Hồi tháng 10/2019, chính quyền Trump đã áp thuế 25% lên hầu hết rượu vang châu Âu để trả đũa việc chính phủ các nước châu Âu trợ cấp cho hãng chế tạo máy bay Airbus. Kể từ đó, Nhà Trắng đe dọa tăng thuế.

Mỹ cũng đã áp thuế cao đối với thép và nhôm sản xuất ở EU và dọa áp thuế cao hơn với ô tô Đức dù hãng BMW, Volkswagen và Daimler đã đầu tư đáng kể ở Mỹ.

Một trong những ưu tiên của ông Trump trong năm 2020 là một thỏa thuận giải quyết các vấn đề giữa Mỹ và châu Âu, ông William Reinsch, chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), người từng có 15 năm làm chủ tịch Hội đồng Ngoại thương Quốc gia của Mỹ, dự đoán.

Cả hai bên cần duy trì quan hệ tốt vì thương mại Mỹ-EU đạt hơn 1.100 tỷ USD/năm. Đây là kim ngạch thương mại song phương lớn nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, khó đạt được thỏa thuận thương mại Mỹ-EU một cách dễ dàng. Ông Reinsch cho rằng, các cuộc thương lượng có thể không diễn ra được vì hai bên bất đồng về việc có đưa lĩnh vực nông nghiệp lên bàn đàm phán hay không. Châu Âu rất chú trọng trợ cấp và bảo vệ ngành nông nghiệp.

Và dù nếu thương lượng bắt đầu, tiến trình này có thể bị làm cho lệch hướng bởi một số nguy cơ như thuế ô tô tăng cao. “Việc này (tăng thuế ô tô) sẽ tái xuất hiện ngay khi Tổng thống Mỹ mất kiên nhẫn với tiến trình đàm phán chậm chạp”, ông Reinsch nói.

Ông cũng cho rằng, nếu đàm phán tiến triển, Tổng thống Mỹ có thể sẽ ưu tiên cho các vấn đề bề nổi thay vì thực chất để “khoe thành tích” trước bầu cử. “Chiến thắng. “Người ta sẽ tuyên bố đạt thắng lợi nhưng mà là những thắng lợi trống rỗng”, ông nói.

Mỹ, Trung ký thỏa thuận thương mại, thế giới vẫn lo ảnh 3 Mỹ dọa áp thuế cao hơn với ô tô Đức dù hãng BMW, Volkswagen và Daimler đã đầu tư đáng kể ở Mỹ. Ảnh: BMW.

Kinh tế Anh chậm lại

Trong khi Brexit được ấn định vào ngày 31/1, Anh cũng đang tìm kiếm một thỏa thuận thương mại với EU. Thỏa thuận phải hoàn tất trước cuối năm, nếu không các rào cản thương mại sẽ được dựng lên giữa Anh và thị trường xuất khẩu lớn nhất của mình.

Hầu hết các thỏa thuận thương mại mất nhiều năm để đàm phán nhưng Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định rằng, ông sẽ không kéo dài thương lượng quá cuối năm nay. Điều này có thể ảnh hưởng cơ hội Anh có được một thỏa thuận toàn diện.

“Nếu chính phủ Anh cứ khăng khăng theo khung thời gian đó bằng mọi giá thì chỉ có thể đạt được một thỏa thuận rất hạn chế”, các nhà phân tích của ngân hàng Pháp Société Générale nhận định.

Thủ tướng Anh cũng phải khéo léo “đi dây”. Anh làm ăn nhiều với EU – thị trường chiếm tới 44% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ của nước này trong năm 2017. Việc chơi thân với Brussels sẽ hạn chế năng lực của London trong việc đạt thỏa thuận thương mại mới với Mỹ.

Nhiều chuyên gia cảnh báo rằng, kinh tế Anh sẽ không chịu nổi các rào cản thương mại mới; chúng sẽ ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế và khiến ngành ô tô nước này có nguy cơ sụp đổ.

Dữ liệu được công bố đầu tuần này cho thấy GDP của Anh giảm mạnh trong tháng 11/2019, cho thấy kinh tế nước này trì trệ hoặc đi xuống trong quý IV/2019. Ngân hàng trung ương của Anh giờ đây có thể phải cắt giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng.

Sự không ổn định về quan hệ thương mại trong tương lai của Anh với các đối tác lớn có thể hạn chế tăng trưởng GDP và sức mạnh của đồng bảng Anh trong năm nay, theo ông Paul Dales, nhà kinh tế của Capital Economics.

Mỹ, Trung ký thỏa thuận thương mại, thế giới vẫn lo ảnh 4 Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: BBC.
MỚI - NÓNG