Tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã bày tỏ sự lạc quan về việc giải tỏa những căng thẳng trong tranh chấp thương mại trước cuộc gặp của đôi bên vào cuối tháng 11 tại Argentina.
Nhưng trong lúc đó, Bộ Tư pháp Mỹ một lần nữa cáo buộc công ty Trung Quốc hành vi mà họ gọi là “không quân tử”.
Ông Trump nói trên Twitter rằng, các thảo luận về thương mại với Trung Quốc “đang tiến triển tốt đẹp” và rằng ông đã lên kế hoạch gặp ông Tập bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, sau khi hai ông đã có cuộc điện đàm “rất thiện chí”, theo Reuters.
Sau đó, hãng tin Bloomberg trích hai nguồn tin nói ông Trump muốn đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc tại hội nghị G20 và sau cuộc điện đàm với ông Tập, ông đã yêu cầu thuộc cấp chuẩn bị dự thảo các điều khoản. Bản tin này nói chưa rõ ông Trump có giảm nhẹ các yêu cầu của phía Mỹ, vốn bị Trung Quốc cự tuyệt thời gian qua hay không. Một nguồn tin nói vấn đề ăn cắp bản quyền sở hữu trí tuệ sẽ là vấn đề chủ chốt trong thỏa thuận.
Trên báo chí Trung Quốc, ông Tập nói ông hy vọng Trung Quốc và Mỹ có thể thúc đẩy một quan hệ ổn định và bền vững. Ông cũng nói sẵn sàng gặp ông Trump tại Argentina.
“Các quan chức thương mại của hai nước cần tăng cường tiếp xúc và tham vấn lẫn nhau về các vấn đề mà hai bên quan tâm, thúc đẩy một kế hoạch mà cả hai cùng chấp nhận được để cuối cùng đạt đồng thuận về các vấn đề thương mại Mỹ-Trung”, ông Tập nói trên đài truyền hình trung ương CCTV. Sau cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ, ông Tập nói hai nhà lãnh đạo hy vọng có thể mở rộng hợp tác thương mại.
Cả hai nhà lãnh đạo đều không cho biết, chi tiết về những tiến bộ có khả năng đạt được sau cuộc điện đàm. Các quan chức Mỹ trước đó nói các cuộc đàm phán thương mại với Trung Quốc không thể tiếp tục cho đến khi Bắc Kinh có các hành động cụ thể để đáp ứng các yêu cầu của phía Mỹ, như thay đổi cơ bản chính sách về chuyển giao công nghệ, trợ giá công nghiệp và mở cửa thị trường.
“Ăn cắp bí mật thương mại”
Trong khi ông Trump bày tỏ sự lạc quan về khả năng giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, Bộ Tư pháp Mỹ tiếp tục tung ra cáo trạng nhắm tới hai công ty có trụ sở ở Trung Quốc, Đài Loan và ba cá nhân. Cáo trạng này cho rằng hai công ty nói trên họ âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ công ty sản xuất thiết bị bán dẫn Micron Technology Inc của Mỹ.
Đầu tuần này, các công tố viên Mỹ công bố cáo trạng truy tố 10 người, trong đó có hai người được nói là sỹ quan tình báo Trung Quốc, những người khác là hacker máy tính. Nhóm này được cho là đã xâm nhập máy tính của một số công ty Mỹ để ăn cắp dữ liệu về công nghệ sản xuất động cơ máy bay.
Ngày 1/11, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói Trung Quốc có thể là thách thức an ninh lớn nhất của Mỹ trong dài hạn.
Sau cuộc điện đàm với ông Tập, ông Trump tỏ ra nhã nhặn hơn. “Tôi mới có cuộc điện đàm dài và rất thiện chí với ông Tập Cận Bình. Chúng tôi đã nói về rất nhiều chủ đề, tập trung nhiều về chuyện thương mại. Và chúng tôi cũng thảo luận rất hiệu quả về vấn đề Triều Tiên”, ông Trump viết trên Twitter.
Ngày 2/11, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nói với một nhóm chính trị gia Mỹ đang thăm Trung Quốc rằng, Bắc Kinh và Washington có thể vượt qua các khác biệt và đưa quan hệ song phương trở lại “đường ray” nếu đôi bên làm việc với tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
Trong nhiều tháng qua, Mỹ-Trung đã đối đầu nhau rất căng thẳng trong một loạt các vấn đề, từ thương mại, quân sự đến ngoại giao. Hai bên đã áp thuế hàng trăm tỷ USD đối với hàng hóa của nhau, khiến các doanh nghiệp của cả hai nước chịu nhiều thiệt hại.