Mỹ thiếu khẩu trang trầm trọng, nhân viên y tế phải tái sử dụng

Mỹ đang thiếu khẩu trang, máy thở. Ảnh: Getty.
Mỹ đang thiếu khẩu trang, máy thở. Ảnh: Getty.
TPO - Do số lượng người mắc Covid-19 tăng nhanh, Mỹ đang thiếu khẩu trang trầm trọng, khiến nhân viên nhiều bệnh viện ở New York và một số bang khác phải dùng khẩu trang một lần càng nhiều lần càng tốt, báo Mỹ The Washington Post đưa tin ngày 22/3.

Dùng khẩu trang một lần trong cả tuần

Tại một bệnh viện trên đảo Long Island ở New York, nhân viên được thông báo rằng, mỗi người sẽ được nhận một khẩu trang thôi và phải tự chăm sóc khẩu trang của mình vì “nó sẽ không được thay thế hằng ngày”, theo nội dung bản thông báo nội bộ của bệnh viện.

Tại một bệnh viện ở khu vực Bắc Virginia ở bang Virginia, các nhân viên lâm sàng nói rằng, họ đang phải sử dụng khẩu trang cũ, thậm chí dùng cả tuần và để trong túi giấy màu nâu sau khi làm sạch chúng. Một số nhân viên bệnh viện nói rằng, họ có thể mất việc nếu không áp dụng biện pháp này trong bối cảnh khẩu trang thiếu hụt.

Tại một số bệnh viện do công ty Beth Israel Lahey Health vận hành ở thành phố Boston, thủ phủ bang Massachusetts, nhân viên được yêu cầu sử dụng sử dụng khẩu trang N95 và khẩu trang phẫu thuật càng lâu càng tốt, rồi bỏ chúng trong thùng rác đặc biệt, trong khi hệ thống bệnh viện tìm cách khử trùng chúng.

Tại bệnh viện Harper ở thành phố Detroit ở bang Michigan, nhân viên đem đồ ăn tới giường bệnh nhân nói rằng, họ không còn được dùng khẩu trang và gang tay như bình thường vì hiện thiếu những mặt hàng này.

Terri Hooks làm việc tại bệnh viện Harper nói rằng, một số đồng nghiệp của cô đã tiếp xúc với một bệnh nhân nghi mắc Covid-19. Họ đang rất lo lắng cho gia đình mình.

“Chúng tôi không biết ai nhiễm virus. Tôi cảm thấy tất cả chúng tôi đều bị phơi nhiễm”, cô Hooks nói.

Ông Brett Giroir, trợ lý Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, ngày 21/3 nói rằng, giới chức đang cập nhật hướng dẫn đưa ra hồi tháng 11/2019 về cách thức bệnh viện ứng phó nếu nguồn cung khẩu trang, kính che mặt và các đồ bảo hộ khác cạn kiệt.

Mỹ thiếu khẩu trang trầm trọng, nhân viên y tế phải tái sử dụng ảnh 1 Đưa bệnh nhân vào viện ở New York. Ảnh: Getty.

Phản ứng chậm

Những ngày gần đây, các quan chức Nhà Trắng xin lời khuyên từ các bác sĩ, quan chức ở bang Washington – những người xử lý vụ dịch Covid-19 đầu tiên về cách thức đối phó khả năng nhân viên y tế không có khẩu trang, kính che mặt và máy thở.

Ông William Jaquis, giám đốc trường Cao đẳng Bác sĩ khoa cấp cứu Mỹ, nói rằng, các quan chức liên bang đã hỏi ông và đồng nghiệp về những việc bệnh viện nên làm nếu hết sạch đồ bảo hộ cá nhân. Ông trả lời họ: “Không có sự lựa chọn tốt”.

Lực lượng ứng phó Covid-19 của chính quyền Mỹ hiểu rằng, thiếu hụt nguồn cung hiện là một trong những vấn đề lớn nhất vì nhân viên y tế luôn bị ảnh hưởng nặng nề bởi bất kỳ đợt dịch bệnh truyền nhiễm nào.

Ngày 20/3, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence, lãnh đạo lực lượng ứng phó Covid-19, nhấn mạnh các nỗ lực tìm nguồn cung trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ cá nhân cho các bệnh viện và nhân viên.

Trợ lý bộ trưởng Brett Giroir nói rằng, New York, nơi đang bị Covid-19 tấn công mạnh nhất ở Mỹ, đang cần bổ sung máy thở với số lượng lớn.

Nhiều người băn khoăn tại sao nước giàu nhất thế giới lại để nhân viên y tế của mình thiếu đồ bảo hộ? Nhiều quan chức, chuyên gia Mỹ cho rằng, lý do là Mỹ đã không có kế hoạch ứng phó sớm, lãnh phí những tuần đầu quý giá.

Giám đốc Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Mỹ Robert Redfield ngày 3/1 nghe người đồng cấp Trung Quốc nói rằng, một căn bệnh đường hô hấp đang lan nhanh ở Trung Quốc có thể do coronavirus mới gây ra. Ông Redfield nói điều này với Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Alex Azar.

Bộ trưởng Azar lập tức thông báo với Hội đồng An ninh quốc gia của Nhà Trắng, 4 quan chức cấp cao của Mỹ nói với The Washington Post. Bộ trưởng Azar báo cáo tình hình với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 18/1. Ca Covid-19 đầu tiên ở Mỹ được ghi nhận ngày 21/1.

Đến tận tuần đầu tiên của tháng 3, chính quyền và Quốc hội Mỹ mới nhất trí về dự luật chi bổ sung 8,3 tỷ USD để ứng phó đại dịch, đánh mất những tuần đầu tiên có thể được dùng để xử lý vấn đề thiếu hụt trang thiết bị, 4 vị quan chức cấp cao nói.

Mỹ thiếu khẩu trang trầm trọng, nhân viên y tế phải tái sử dụng ảnh 2 Vận chuyển bệnh nhân ở Washington ngày 29/2. Ảnh: Getty.

“Chữa cháy”

Giờ đây, Cơ quan Quản lý khẩn cấp liên bang đang đi đầu trong việc ứng phó đại dịch, chỉ định một nhóm phụ trách vấn đề cung ứng trang thiết bị y tế, đồ bảo hộ.

Ngày 21/3, Tổng thống Trump nói rằng, các công ty, ví dụ nhà sản xuất quần áo Hanes, đang cải hoán trang thiết bị để sản xuất khẩu trang và các vật liệu cần thiết phục vụ phòng chống dịch. Ông nhấn mạnh nỗ lực có thêm khẩu trang. Phó tổng thống Pence kêu gọi các nhà sản xuất khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang N95 “chất hàng và chở tới bệnh viện địa phương”.

Sau khi hệ thống bệnh viện Providence St. Joseph (hoạt động ở 6 bang, trụ sở chính tại Washington) từ sản xuất đồ bảo hộ từ vật liệu có sẵn trong bệnh viện và mua tại các cửa hàng vải, một cửa hàng đồ dùng được yêu cầu sản xuất 100.000 bộ nguyên liệu.

Những nguyên liệu này được gửi tới các tình nguyện viên có máy may trên khắp nước Mỹ. Họ sẽ may thành khẩu trang phẫu thuật, cho vào phong bì đã trả sẵn cước và gửi trả hệ thống bệnh viện.

Tính đến sáng 22/3, hơn 300.000 người trên khắp thế giới mắc Covid-19, ít nhất 12.944 bệnh nhân đã tử vong, gồm 323 người ở Mỹ, theo Đại học Johns Hopkins.

Bang New York có tổng cộng 12.260 bệnh nhân Covid-19 và 70 ca tử vong, trở thành bang bị dịch tấn công mạnh nhất ở Mỹ, CNN đưa tin ngày 23/3. Riêng thành phố New York có 8.115 người mắc và 60 ca tử vong. 

MỚI - NÓNG
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
Tổ chức đề cử, giới thiệu gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2024
TPO - Ban Bí thư T.Ư Đoàn đề nghị các ban, đơn vị thuộc T.Ư Đoàn và các tỉnh, thành Đoàn, Đoàn trực thuộc giới thiệu, lựa chọn, đề xuất các gương thanh niên, thiếu niên, nhi đồng tiêu biểu trên các lĩnh vực xét trao giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2024. Thời gian đề cử, giới thiệu từ ngày 10/11 – 31/12/2024.