Reuters dẫn lời một số quan chức Mỹ giấu tên nói rằng Tehran và các lực lượng thân với họ ngày càng dựa nhiều hơn với UAV ở những nơi như Yemen, Syria, eo biển Hormuz và Iraq.
Không chỉ giám sát, các UAV của Iran có thể thả quân nhu hay thậm chí thực hiện những vụ tấn công.
Phiến quân Houthi được nói là được Iran hậu thuẫn ở Yemen tăng cường sử dụng UAV trong những tháng gần đây, với những chiến dịch thả bom xuống sân bay và cơ sở dầu khí của Ả-rập Xê-út - đối thủ chính của Iran ở khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump đã rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và tái trừng phạt Tehran nhằm chặn đứng hoạt động xuất khẩu dầu mỏ và gây sức ép để Iran chấp nhận đàm phán về chương trình tên lửa đạn đạo và chính sách khu vực của họ. Việc Iran hay đồng minh ở khu vực của họ gia tăng sử dụng UAV là một chiến lược nhằm bật lại sức ép từ Mỹ cùng các đồng minh Ả-rập Xê-út và Israel, các nhà phân tích nhận định.
Trong giai đoạn này, Iran điều 2-3 UAV ra Vùng Vịnh mỗi ngày để giám sát eo biển Hormuz, nơi 1/5 lượng dầu thế giới tiêu thụ được vận chuyển qua. Mỹ và Ả-rập Xê-út cáo buộc Iran tấn công 6 tàu chở dầu gần eo biển Hormuz trong 2 tháng qua, nhưng Tehran bác bỏ.
Mỹ từng cảnh báo Iran rằng bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào lực lượng của Mỹ do các tổ chức ở Iraq thực hiện cũng bị Washington coi là do Iran trực tiếp gây ra.
Tháng 3 năm nay, Iran khoe một chiến dịch huấn luyện quân sự phức tạp có sự tham gia của 50 UAV. Trong một video được chỉnh sửa trước khi đưa lên truyền hình nhà nước, nhiều UAV bay lượn và thả bom xuống những tòa nhà trên một hòn đảo ở Vùng Vịnh.
Douglas Barrie, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại London, cho rằng cách thể hiện của Iran chủ yếu nhắm đến dư luận trong nước. “Chuyện Iran có năng lực UAV ngày càng tăng không có gì bàn cãi. Câu hỏi đặt ra là trình độ công nghệ của họ đến đâu”, Reuters dẫn lời ông Barrie.
Một mối quan ngại nữa của Mỹ là chính công nghệ của họ có thể bị dùng để hỗ trợ chương trình UAV của Iran. Chiếc máy bay giám sát RQ-170 Sentinel rơi xuống Iran năm 2011, và tư lệnh của Lực lượng vệ binh cách mạng Iran khi đó nói rằng họ đã khôi phục được động cơ, nhưng một số chuyên gia an ninh và nhà phân tích nghi ngờ điều này.
Không chỉ phát triển UAV, Iran cũng được đánh giá là đang phát triển công nghệ chống máy bay không người lái đáng kể.
Vụ Iran gần đây bắn rơi máy bay không người lái RQ-4A Global Hawk cỡ lớn của Mỹ chứng tỏ họ có năng lực chống UAV như thế nào. Để bắn hạ máy bay này, Iran nói họ sử dụng hệ thống tên lửa đất đối không Khordad. Trước đó, Iran được cho là đã gây nhiễu thông tin của chiếc máy bay không người lái RQ-170 Sentinel để chiếm quyền kiểm soát phương tiện này khi nó đang bay trong lãnh thổ Iran rồi sau đó lấy động cơ của họ để nghiên cứu phát triển máy bay dòng không người lái Shahed-171 và Saeqah. Tehran cũng tự hào họ có năng lực chống tấn công mạng rất tốt để có thể kiểm soát UAV của kẻ thù.
Theo National Interest, có khả năng Iran mua công nghệ chống UAV qua Trung Quốc. Tháng 2/2018, Trung tâm nghiên cứu máy bay không người lái thuộc ĐH Bard (Mỹ) có báo cáo nói Trung Quốc có 8 sản phẩm chống UAV trên thị trường và có thể Iran đã tiếp cận được các sản phẩm này.