Mỹ leo thang cuộc chiến chống Huawei

Mỹ leo thang cuộc chiến chống Huawei
TP - Các công tố viên Mỹ vừa cáo buộc tập đoàn Huawei của Trung Quốc ăn cắp bí mật thương mại và giúp Iran theo dõi người biểu tình. Đây là bước leo thang cuộc chiến giữa Mỹ và tập đoàn sản xuất linh kiện viễn thông lớn nhất thế giới.

Trong bản cáo trạng, tập đoàn Huawei bị cáo buộc âm mưu ăn cắp bí mật thương mại từ 6 công ty công nghệ Mỹ, vi phạm một bộ luật chống tội phạm có tổ chức của Mỹ, theo Reuters.

Bản cáo trạng cũng có các cáo buộc mới về cái gọi là sự liên quan của Huawei với một số quốc gia đang chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ. Cáo trạng nói Huawei đã lắp đặt các thiết bị do thám cho Iran để theo dõi, nhận diện và bắt giữ người biểu tình trong đợt biểu tình chống chính phủ hồi năm 2009 ở Tehran.

Trong nhiều tháng qua, Mỹ đã phát động chiến dịch chống lại Huawei, công ty Mỹ cho là có thể thực hiện các nghiệp vụ do thám đối với khách hàng phục vụ chính phủ Trung Quốc. Washington đưa công ty này vào một danh sách đen về thương mại từ năm ngoái, với lý do lo ngại về an ninh quốc gia.

Phản ứng lại động thái của Mỹ, trong một văn bản, tập đoàn Huawei nói bản cáo trạng trên là “một phần của nỗ lực hủy hoại thanh danh và công việc kinh doanh của Huawei vì lý do cạnh tranh nhiều hơn là việc thực thi pháp luật”.

Huawei đã không thừa nhận trước những cáo buộc trước đó, công bố hồi tháng 1/2019, rằng họ gian lận trong các giao dịch ngân hàng, vi phạm các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng, khi được hỏi về cáo trạng trong một cuộc họp báo thường kỳ ở Bắc Kinh hôm qua, đã lên tiếng thúc giục Mỹ ngay lập tức ngừng đàn áp các công ty Trung Quốc mà không có lý do. Những hành vi như vậy, theo ông Cảnh, “hủy hoại nghiêm trọng hình ảnh và tín nhiệm của Mỹ”.

Giám đốc tài chính của tập đoàn Huawei Mạnh Vãn Châu bị bắt hồi tháng 12/2018 tại Canada theo lệnh của Mỹ, sự việc gây ra giận dữ từ phía Trung Quốc, làm băng giá quan hệ ngoại giao Canada-Trung Quốc. Bà Mạnh nói bà vô tội và chống lại lệnh dẫn độ về Mỹ. Trong bản cáo trạng lần này, không có cáo buộc mới đối với bà Mạnh.

Các cáo buộc ăn cắp bí mật thương mại lần này có liên quan đến mã nguồn của thiết bị internet router, công nghệ ăng- ten và người máy. Ví dụ, bắt đầu từ năm 2000, Huawei và chi nhánh của công ty là Futurewei Technologies Inc bị cáo buộc chiếm dụng mã nguồn của các thiết bị internet router và một số bí mật khác từ một công ty ở bang California.

Sau đó Huawei bị cho là đã bán các routers ở Mỹ với giá thấp hơn sản phẩm của công ty Mỹ kia, theo cáo trạng. Mặc dù tên công ty Mỹ nọ không được công bố, hồi năm 2003, hãng Cisco Systems của Mỹ kiện Huawei với cáo buộc xâm phạm bản quyền liên quan đến thiết bị router.

Huawei cũng bị cáo buộc tuyển nhân viên các công ty khác để tìm cách có được tài sản trí tuệ của các công ty đó, tận dụng giảng viên tại các cơ sở nghiên cứu để giành lấy các công nghệ mới.        

MỚI - NÓNG