Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc: Ngành công nghiệp AI ít bị ảnh hưởng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu chip mà Mỹ áp đặt từ năm ngoái nhằm ngăn chặn sự phát triển siêu máy tính của Trung Quốc được sử dụng để phát triển vũ khí hạt nhân, các hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) như ChatGPT chỉ có tác động rất nhỏ đối với lĩnh vực công nghệ của nước này, Reuters đưa tin ngày 3/5.

Các quy tắc xuất khẩu đã hạn chế các lô hàng chip của hãng Nvidia và hãng Advanced Micro Devices. Chip của hai hãng này đã trở thành tiêu chuẩn của ngành công nghệ toàn cầu dùng để phát triển chatbot và các hệ thống AI khác.

Tránh cú sốc

Nhưng Nvidia đã tạo ra các biến thể chip cho riêng thị trường Trung Quốc. Phiên bản này bị giảm tốc độ xử lý để đáp ứng các quy định của Mỹ. Các chuyên gia trong ngành nói với Reuters rằng sản phẩm mới nhất - Nvidia H800, được công bố vào tháng 3 - có thể sẽ mất thời gian hơn từ 10-30% để thực hiện một số tác vụ AI và có thể tăng gấp đôi một số chi phí so với chip nhanh nhất của Nvidia tại Mỹ.

Mỹ hạn chế xuất khẩu chip sang Trung Quốc: Ngành công nghiệp AI ít bị ảnh hưởng ảnh 1

Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh nhau trong lĩnh vực bán dẫn, AI. Ảnh: Shutterstock

Ngay cả những con chip Nvidia bị làm chậm lại cũng là một “món quà” cho các công ty Trung Quốc. Tencent, một trong những công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, hồi tháng 4 ước tính rằng, các hệ thống sử dụng H800 của Nvidia sẽ giảm hơn một nửa thời gian đào tạo hệ thống AI lớn nhất của họ - từ 11 ngày xuống còn 4 ngày. Ông Charlie Chai, một nhà phân tích của 86Research có trụ sở tại Thượng Hải, nói: “Các công ty AI mà chúng tôi nói chuyện dường như coi điểm trừ về tốc độ chip là tương đối nhỏ và có thể kiểm soát được”.

Sự tác động qua lại giữa chính phủ và ngành công nghiệp cho thấy thách thức của Mỹ trong việc làm chậm tiến độ của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ cao mà không làm tổn thương các công ty Mỹ. Một phần trong chiến lược của Mỹ trong việc thiết lập các quy tắc xuất khẩu là để tránh một cú sốc đến mức người Trung Quốc sẽ từ bỏ hoàn toàn chip của Mỹ và tăng gấp đôi nỗ lực phát triển chip của chính họ. “Họ phải vạch ra ranh giới ở đâu đó, và bất cứ nơi nào họ vạch ra, họ sẽ gặp phải thách thức là làm thế nào để không gây gián đoạn ngay lập tức, mà vẫn dần dần làm suy giảm năng lực của Trung Quốc”, một giám đốc điều hành trong ngành công nghiệp chip nói về các cuộc thảo luận riêng tư với các cơ quan quản lý của Mỹ.

Các hạn chế xuất khẩu có hai phần. Đầu tiên đặt giới hạn cho khả năng tính toán các con số cực kỳ chính xác của chip - một biện pháp được thiết kế để hạn chế các siêu máy tính có thể được sử dụng trong nghiên cứu quân sự. Các nguồn tin trong ngành công nghiệp chip cho biết đó là một hành động hiệu quả. Nhưng việc tính toán các con số cực kỳ chính xác ít liên quan hơn trong công việc của AI như các mô hình ngôn ngữ lớn, trong đó lượng dữ liệu mà con chip có thể xử lý lại quan trọng hơn. Nvidia đang bán H800 cho các công ty công nghệ lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm Tencent, Alibaba và Baidu để sử dụng trong công việc như vậy, mặc dù họ vẫn chưa bắt đầu vận chuyển chip với số lượng lớn.

Tuần trước, Nvidia tuyên bố: “Chính phủ không tìm cách gây hại cho cạnh tranh hoặc ngành công nghiệp Mỹ và cho phép các công ty Mỹ cung cấp sản phẩm cho các hoạt động thương mại, như cung cấp dịch vụ đám mây cho người tiêu dùng”. Theo hãng này, Trung Quốc là một khách hàng quan trọng đối với công nghệ của Mỹ. “Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu tháng 10/2022 yêu cầu chúng tôi tạo ra các sản phẩm có khoảng cách ngày càng lớn giữa hai thị trường (Mỹ và Trung Quốc). Chúng tôi tuân thủ quy định trong khi cung cấp các sản phẩm cạnh tranh nhất có thể ở mỗi thị trường”, Nvidia tuyên bố. Ông Bill Dally, nhà khoa học chính của Nvidia, cho biết trong một tuyên bố riêng trong tuần này rằng “khoảng cách này sẽ tăng nhanh theo thời gian khi các yêu cầu huấn luyện AI tiếp tục tăng gấp đôi sau mỗi 6-12 tháng”.

Người phát ngôn của Cục Công nghiệp và An ninh - Bộ Thương mại Mỹ chưa có bình luận về vấn đề này.

Tốc độ chậm lại, chi tiền tăng lên

Giới hạn thứ hai của Mỹ là về tốc độ truyền từ chip sang chip. Điều này ảnh hưởng đến AI. Các mô hình đằng sau các công nghệ như ChatGPT quá lớn để vừa với một con chip. Thay vào đó, chúng phải được trải rộng trên nhiều con chip - thường là hàng nghìn con chip cùng một lúc - và tất cả đều cần giao tiếp với nhau.

Nvidia chưa tiết lộ chi tiết hiệu suất của chip H800 chỉ dành cho Trung Quốc, nhưng một bảng thông số kỹ thuật mà Reuters đã xem cho thấy tốc độ giữa chip với chip là 400 gigabyte mỗi giây, thấp hơn một nửa so với tốc độ tối đa 900 gigabyte mỗi giây của chip H100 hàng đầu của Nvidia bán bên ngoài Trung Quốc.

Một số người trong ngành công nghiệp AI tin rằng, tốc độ chậm lại vẫn “xài” tốt. Ông Naveen Rao, giám đốc điều hành của công ty khởi nghiệp MosaicML chuyên hỗ trợ các mô hình AI chạy tốt hơn trên phần cứng hạn chế, ước tính hệ thống sẽ bị chậm từ 10-30%. “Có nhiều cách để vượt qua tất cả những điều này bằng thuật toán. Tôi không thấy đây là một ranh giới trong thời gian rất dài, ví dụ 10 năm”, ông nói.

Theo các chuyên gia, trong trường hợp này thì đúng là “có tiền mua tiên cũng được”. Một con chip ở Trung Quốc mất gấp đôi thời gian để hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện AI so với một con chip nhanh hơn của Mỹ làm khối lượng công việc tương tự. “Nếu vậy, bạn phải chi 20 triệu USD thay vì 10 triệu USD để huấn luyện AI”, một nguồn tin trong ngành nói. “Điều đó có tệ không? Đúng vậy. Nhưng điều đó có nghĩa là điều này là không thể đối với Alibaba hay Baidu? Không, đó không phải là vấn đề”, nguồn tin nói.

Hơn nữa, các nhà nghiên cứu AI đang cố gắng giảm bớt các hệ thống khổng lồ mà họ đã xây dựng để cắt giảm chi phí huấn luyện những sản phẩm tương tự như ChatGPT và các quy trình khác. Những hệ thống đó sẽ yêu cầu ít chip hơn, giảm giao tiếp giữa chip với chip và giảm tác động của giới hạn tốc độ mà Mỹ đặt ra.

Ông Cade Daniel, kỹ sư phần mềm tại Anyscale (doanh nghiệp khởi nghiệp Mỹ cung cấp phần mềm giúp các công ty thực hiện công việc AI), nói rằng, hai năm trước, ngành công nghiệp nghĩ rằng các mô hình AI sẽ ngày càng lớn hơn. “Nếu điều đó vẫn còn đúng cho đến ngày nay, thì việc hạn chế xuất khẩu này sẽ có nhiều tác động hơn. Việc hạn chế xuất khẩu chip là có tác động, nhưng tác động không đến mức tàn phá như nó được dự đoán có thể xảy ra”, ông Daniel nhận định.

Trung Quốc phản đối

Sau nhiều tháng đối thoại và thuyết phục, Nhật Bản và Hà Lan hồi tháng 2 cuối cùng đã đồng ý với yêu cầu của Mỹ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu thiết bị và công nghệ sản xuất chip sang Trung Quốc, TechWire Asia đưa tin. Mặc dù cả hai bên đều không tiết lộ chi tiết về thỏa thuận, nhưng Nhật Bản và Hà Lan được cho là đã chung tay tăng cường các hạn chế do Mỹ dẫn đầu nhằm làm tê liệt sự trỗi dậy về công nghệ của Trung Quốc trên đấu trường toàn cầu.

Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Trung Quốc phản đối các hành động loại trừ thị trường chip nội địa khỏi sự đổi mới toàn cầu. Hiệp hội này tin rằng thỏa thuận do Mỹ dẫn đầu với Nhật Bản và Hà Lan sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của Trung Quốc với công nghệ sản xuất chip, gây ra mối đe dọa cho toàn bộ ngành công nghiệp, đánh dấu một bước lùi trong kỷ nguyên thương mại tự do.

MỚI - NÓNG