Theo đó, Mỹ sẽ chỉ duy trì nhân sự làm nhiệm vụ cố vấn, hỗ trợ Iraq trong cuộc chiến chống khủng bố, còn lại toàn bộ lực lượng chiến đấu sẽ được rút khỏi Iraq.
Tuyên bố chung được đưa ra sau cuộc "đối thoại chiến lược" giữa Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Iraq Fuad Hussein vào ngày 7/4.
Hai bên nêu rõ lực lượng Mỹ đóng tại Iraq là theo lời đề nghị của chính quyền Baghdad nhằm hỗ trợ Lực lượng An ninh Iraq (ISF) trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
“Dựa trên năng lực ngày càng tăng của ISF, các bên xác nhận rằng nhiệm vụ của các lực lượng Mỹ và Liên quân hiện đã chuyển sang tập trung vào các nhiệm vụ huấn luyện và cố vấn, do đó cho phép điều chuyển các lực lượng chiến đấu từ Iraq đến vị trí khác,” tuyên bố cho biết thêm.
Lịch trình cụ thể sẽ được bàn bạc trong các cuộc thảo luận sắp tới.
Hussein và Blinken đồng ý “tiếp tục phối hợp và hợp tác an ninh song phương” giữa Mỹ và Iraq và nhấn mạnh trong tuyên bố chung rằng “các căn cứ mà các nhân viên của Liên quân và Mỹ có mặt là các căn cứ của Iraq và sự hiện diện của họ chỉ nhằm hỗ trợ nỗ lực của Iraq trong cuộc chiến chống ISIS. "
Những động thái trên được đưa ra trong bối cảnh các cuộc tấn công bằng rocket nhằm vào các lực lượng Mỹ tại Iraq vẫn xảy ra gần như hằng ngày.
Mới đây nhất, ngày 4/4, hai quả rocket đã được bắn vào căn cứ không quân Balad gần Baghdad, nơi có các nhà thầu Mỹ ngoài quân đội Iraq. Ngày 15/3 năm tên lửa cũng tấn công vào căn cứ. Mặc dù không có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng Mỹ đã quy trách nhiệm cho lực lượng dân quân Shia - mà Washington cho rằng được nước láng giềng Iran hậu thuẫn - về các vụ tấn công. Lực lượng dân quân đã yêu cầu sự ra đi của khoảng 2.500 lính Mỹ hiện đang đóng quân ở Iraq, gọi sự hiện diện của họ là một sự chiếm đóng.