Mỹ Đình bế tắc nguồn thu

Khu LHTTQG Mỹ Đình loay hoay trong việc tìm phương án kinh doanh cơ sở vật chất sẵn có sau khi bị “tuýt còi” những sai phạm trong kinh doanh cho thuê mặt bằng trước đây ảnh: NHẬT MINH
Khu LHTTQG Mỹ Đình loay hoay trong việc tìm phương án kinh doanh cơ sở vật chất sẵn có sau khi bị “tuýt còi” những sai phạm trong kinh doanh cho thuê mặt bằng trước đây ảnh: NHẬT MINH
TP - Là đơn vị tự chủ tài chính nhưng Khu Liên hợp thể thao quốc gia (LHTTQG) Mỹ Ðình đang gặp nhiều khó khăn, nguồn thu giảm sút nghiêm trọng do không còn được thoải mái tận dụng đất đai “kinh doanh” như trước. Lãnh đạo Khu LHTTQG đang loay hoay để tháo gỡ bế tắc.  

Theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ năm 2008, Khu LHTTQG Mỹ Đình (trong bài gọi tắt là Mỹ Đình) là một trong 12 đơn vị trực thuộc Tổng cục  Thể dục Thể  thao (TDTT). Tuy nhiên, tới năm 2012, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL quyết định đưa Khu LHTTQG về Bộ.

Từ năm 2011-2017, Khu LHTTQG được cho phép thực hiện thí điểm rồi tiến tới chính thức tự chủ tài chính thông qua liên doanh, liên kết với các đơn vị, doanh nghiệp. Chủ trương thì đúng nhưng quá trình thực hiện lại xảy ra nhiều vấn đề. Đầu năm 2019, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị kiểm điểm tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm ở Khu Liên hợp sau khi công tác kiểm toán trước đó phát hiện một loạt “sạn” liên quan tài chính tại đây. Tháng 4/2019, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình chỉ đạo thanh tra toàn diện việc chấp hành quy định pháp luật về công tác quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công tại Khu LHTTQG Mỹ Đình.

Hiện nay, Khu LHTTQG Mỹ Đình đã được Bộ VH-TT&DL “trả” lại Tổng cục TDTT quản lý. Khu LHTTQG được yêu cầu xây dựng đề án, thực hiện đấu thầu các dự án theo đúng quy định pháp luật. Tuy nhiên theo thông tin của Tiền Phong, quá trình triển khai của Khu Liên hợp hiện đang bế tắc vì nhiều lý do khác nhau.

Một lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình hôm qua than thở: “Trước đây, việc hợp tác, liên doanh được triển khai rất thuận lợi, nhưng tới nay thì thực sự khó khăn. Chúng tôi làm gì cũng có thể sai pháp luật, nhưng không làm thì không có tiền. Làm gì cũng phải yêu cầu có đề án, thông qua đấu thầu trong khi hiện nay làm thì phía trên không ai duyệt”. Theo vị này, Khu LHTTQG hiện chỉ dám cho thuê sân vận động và khu bể bơi, coi như tận dụng cơ sở hiện có để có thêm nguồn thu trả lương cán bộ, nhân viên. Con số thu về từ hai khoản này chẳng đáng bao nhiêu so với hoạt động liên kết, cho thuê đất đai trước đây. 

CLB Bóng đá Hà Nội lâu nay thuê một khu trong Khu LHTTQG làm điểm đóng quân, nhưng theo yêu cầu mới, việc này có thể phải dừng lại. Trong khi đó, một đại diện CLB Hà Nội cho biết, CLB vừa phải chi tiền sửa chữa nơi ở. “Chúng tôi cũng hy vọng trong quá trình triển khai đề án thì việc nào hợp lý có thể báo cáo để phía trên xem xét giải quyết. Chứ cơ sở có sẵn đấy, không cho họ thuê thì rất lãng phí. Đất đai tại Mỹ Đình còn nhiều, để không có thể bị hoang hóa”, lãnh đạo Khu LHTTQG Mỹ Đình nói.

Theo một lãnh đạo Tổng cục TDTT, Tổng cục rất ủng hộ tháo gỡ các khó khăn hiện nay cho Khu LHTTQG Mỹ Đình. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn cần thực hiện đúng quy trình, thủ tục về pháp luật.

Yêu cầu nhà thầu sửa đường piste sân vận động
Như Tiền Phong đã đưa tin, cuối năm 2019, Khu LHTTQG Mỹ Đình nghiệm thu dự án sửa chữa đường piste sân vận động với ngân sách hàng chục tỷ đồng. Theo đề án đăng cai SEA Games 31, Mỹ Đình là “trái tim” tổ chức một loạt môn quan trọng, bao gồm điền kinh và một số trận đấu của môn bóng đá nam. Tuy nhiên mới đây, đường piste sân Mỹ Đình bị phát hiện rộp, lún nhiều điểm, gây nguy cơ chấn thương cho VĐV khi tập luyện, thi đấu. Khu LHTTQG Mỹ Đình hôm qua cho biết đã thông báo tới nhà thầu yêu cầu sửa chữa.

MỚI - NÓNG