Mỹ chật vật huy động đồng minh kiểm soát Iran

Một thủy thủ Mỹ bước trên khoang tàu USS Boxer trên biển Ả-rập ở ngoài khơi Oman ngày 16/7/2019. Ảnh: Reuters
Một thủy thủ Mỹ bước trên khoang tàu USS Boxer trên biển Ả-rập ở ngoài khơi Oman ngày 16/7/2019. Ảnh: Reuters
TP - Mỹ đang chật vật thuyết phục các đồng minh ủng hộ sáng kiến thành lập lực lượng nhằm tăng cường giám sát các tuyến vận tải dầu quan trọng ở Trung Ðông vì nhiều nước không muốn đối đầu với Iran.

Đầu tháng này, Washington đề xuất thành lập lực lượng nhằm gia tăng bảo đảm an toàn cho vùng biển quan trọng chiến lược ở ngoài khơi Iran và Yemen, khu vực mà Mỹ cáo buộc Iran và lực lượng đại diện của họ đã tấn công các tàu
chở dầu.

Nhưng các đồng minh của Washington miễn cưỡng đưa thêm vũ khí hoặc lực lượng đến khu vực, Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao của Lầu Năm góc hôm qua cho biết. Quan chức này khẳng định mục tiêu của Mỹ không phải sẽ thành lập một liên minh quân sự mà chỉ để “rọi đèn” chiếu sáng khu vực này nhằm ngăn ngừa những vụ tấn công vào tàu thương mại.

Do lo ngại đối đầu, bất kỳ sự tham gia nào của các đồng minh của Mỹ cũng sẽ chỉ giới hạn ở lực lượng và khí tài đã hiện diện ở gần Eo biển Hormuz và eo biển Bab al-Mandab trên biển Đỏ, hai nguồn tin từ Vùng Vịnh và một quan chức an ninh Anh nói với Reuters.

Người Mỹ muốn tạo ra “một liên minh sẵn sàng đối đầu trong các vụ tấn công trong tương lai", một quan chức phương Tây nói. Nhưng “không ai muốn đi đến con đường đối đầu đó”.

Để giải tỏa mối quan ngại đó hoặc khả năng bị hiểu nhầm, bà Kathryn Wheelbarger, một quan chức cấp cao của Lầu Năm góc, nói trong một cuộc trả lời phỏng vấn Reuters rằng sáng kiến mới “không phải để tiến đến đối đầu quân sự”.

Theo đề xuất của Washington, Mỹ sẽ cung cấp các tàu phối hợp và phụ trách việc giám sát, còn các đồng minh sẽ tuần tra quanh vùng biển này và hộ tống các tàu thương mại.

Có một căn cứ hải quân ở UAE, Pháp không có kế hoạch hộ tống các tàu và đánh giá kế hoạch của Mỹ là phản tác dụng trong nỗ lực giảm căng thẳng, vì Tehran sẽ coi kế hoạch này là nhằm chống họ, một quan chức Pháp cho biết.

Một nguồn tin an ninh Anh đánh giá việc hộ tống từng tàu thương mại không khả thi, và quan điểm này được nhiều nước khác chia sẻ.

Một quan chức phương Tây đang làm việc ở Bắc Kinh nói rằng “không đời nào” Trung Quốc tham gia liên minh hàng hải này. Một quan chức Hàn Quốc cho biết Washington chưa đề xuất chính thức với họ.

Quyết định của Nhật Bản tham gia sáng kiến này có thể sẽ gây chia rẽ trong dư luận nước này về việc đưa quân ra nước ngoài.

Thông tin trái ngược

Trong khi đó, chuỗi mâu thuẫn giữa Iran và Mỹ tiếp tục nối dài. Iran hôm qua bác bỏ khẳng định của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng Hải quân Mỹ vừa tiêu diệt một máy bay không người lái của Iran. Chưa có dấu hiệu căng thẳng Vùng Vịnh sắp bùng phát, dù vẫn có lo ngại cả hai bên sẽ có hành động rủi ro.

Ông Trump nói hôm 18/7 rằng chiếc máy bay không người lái đã có “hành động thù địch và khiêu khích” khi tiến vào khoảng cách chỉ cách tàu chiến Mỹ Boxer chưa đầy 1km và phớt lờ nhiều cảnh báo, khiến tàu Mỹ phải hành động. Nhưng Iran bác bỏ thông tin này.

“Tất cả máy bay không người lái của Iran trên Vùng Vịnh và Eo biển Hormuz đã trở về căn cứ an toàn sau khi thực hiện nhiệm vụ nhận dạng và kiểm soát”, ông Abolfazl Shekarchi, một phát ngôn viên của lực lượng vũ trang Iran được hãng tin Tasnim dẫn lời. “Và không có báo cáo nào về bất kỳ phản ứng nào từ tàu USS Boxer”.

Nhưng một quan chức Mỹ giấu tên nói với CNN rằng chiếc máy bay bị hạ bằng cách gây nhiễu tín hiệu điện tử.

Căng thẳng ở Vùng Vịnh vẫn ở mức cao, với nguy cơ Mỹ và kẻ thù lâu năm Iran có thể tiến đến chiến tranh. Nhưng dù nói những ngôn từ quyết liệt, cả hai bên dường như đang kiềm chế.

Thậm chí Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif trong chuyến đi dự cuộc họp tại Liên Hợp Quốc hôm 18/7 khẳng định Iran sẵn sàng thảo luận để mở lối thoát cho cuộc khủng hoảng đã bùng lên sau khi ông Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015.

Ông Zarif cho biết Iran sẵn sàng đẩy nhanh quá trình phê chuẩn tại quốc hội đối với thỏa thuận mà nước này đạt được với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA). Một phát ngôn viên của ông Zarif giải thích rằng Iran đã thực hiện thỏa thuận này trong khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, nhưng nó vẫn chưa trở thành luật vì phải đợi quốc hội phê chuẩn vào năm 2023. Ông Zarif nói quá trình phê chuẩn sẽ được đẩy sớm lên nếu Mỹ nới lỏng trừng phạt.

Ông Zarif cũng bày tỏ sẵn sàng gặp các thượng nghị sĩ Mỹ để thảo luận các biện pháp tháo ngòi căng thẳng. Ông tỏ ý muốn gặp Thượng nghị sĩ Rand Paul, người tự đề xuất mình là sứ giả của chính quyền Trump đến Iran.

Tuy nhiên, ông Trump tỏ ra không hào hứng với việc để ông Paul đại diện cho chính quyền đàm phán với Iran. “Tôi không chỉ định ông ấy. Tất cả mọi thứ chúng tôi muốn là một thỏa thuận công bằng”, ông Trump nói với báo giới.

MỚI - NÓNG