Ảnh: Reuters |
Khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ kết thúc nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng nghiêm trọng ở Trung Đông. Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia phân tích, cuộc khủng hoảng này chắc chắn sẽ làm hoen ố di sản chính sách đối ngoại của ông Biden.
Trong suốt 1 năm qua, Tổng thống Biden chật vật giữa một bên là nhiệm vụ bảo vệ đồng minh Israel trước lực lượng Hamas ở Dải Gaza ở Hezbollah ở Li-băng, một bên là phải khống chế thương vong của dân thường và ngăn cuộc chiến lan ra khắp Trung Đông.
Hết lần này đến lần khác, Tổng thống Biden gặp phải những trở ngại về chiến lược, mới nhất là việc Israel từ chối thỏa thuận ngừng bắn trong 21 ngày với Hezbollah mà Mỹ và Pháp đề xuất.
“Điều chúng ta đang nhìn thấy là những hạn chế về sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ ở Trung Đông”, Jonathan Panikoff, cựu quan chức tình báo quốc gia của Mỹ về Trung Đông, nhận xét.
Có lẽ ví dụ rõ ràng nhất là việc ông Biden chần chừ thể hiện công cụ có thể gây sức ép với Israel, với vai trò là nước cung cấp vũ khí hàng đầu và đóng vai trò như tấm khiên ngoại giao cho Israel tại Liên Hợp Quốc, để ép Thủ tướng Benjamin Netanyahu phải nghe theo ý Washington.
Trong gần 1 năm Mỹ nỗ lực dàn xếp, thỏa thuận ngừng bắn và trao trả con tin giữa Israel và Hamas mà vẫn chưa đạt được đột phá nào.
Các quan chức Mỹ đổ lỗi cho Hamas khiến đàm phán thất bại, nhưng một số cũng nói đến việc ông Netanyahu thay đổi đỏi hỏi.
Trong 9 chuyến đi của Ngoại trưởng Antony Blinken đến Trung Đông kể từ ngày 7/10/2023, nhà ngoại giao Mỹ nhiều lần thể hiện việc ông không tìm thấy quan điểm chung với các lãnh đạo Israel.
Trong một lần vào tháng 11 năm ngoái, khi phát biểu tại một cuộc họp báo, ông Blinken thúc giục Israel dừng chiến dịch tấn công quân sự ở Dải Gaza để cho phép đưa hàng viện trợ nhân đạo vào cho người Palestine ở vùng đất bị bao vây. Chỉ một lúc sau, Thủ tướng Netanyahu gạt bỏ ý tưởng này trong bài phát biểu trên truyền hình, cho biết ông đã nói rõ với Ngoại trưởng Blinken rằng Israel sẽ tiếp tục chiến dịch với “lực lượng đầy đủ nhất”.
Tổng thống Biden được các lãnh đạo phương Tây khác ghi nhận đã có công xốc lại các mối quan hệ đồng minh quan trọng của Mỹ, trong đó có Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và những đối tác quan trọng ở châu Á, sau khi người tiền nhiệm Donald Trump hoài nghi về giá trị của những mối quan hệ đó.
Điều đó thể hiện trong sự kiện hồi tháng 4, khi chính quyền Biden huy động và điều phối các đối tác châu Âu và khu vực để giúp bảo vệ Israel trước loạt tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran.
Một số nhà ngoại giao nước ngoài cho rằng cách Tổng thống Biden xử lý tình hình Trung Đông, nhất là cuộc xung đột ở Dải Gaza, làm suy yếu uy tín của Mỹ ở nước ngoài.
Reuters dẫn lời một nhà ngoại giao Trung Đông nói rằng ngoại giao của Mỹ “không gây được ấn tượng với các đối thủ”, cho rằng việc Tổng thống Biden điều khí tài quân sự đến khu vực sau ngày 7/10 để cảnh báo Iran và các nhóm đại diện đã không có nhiều tác dụng.
Lực lượng Yemen liên tục bắn tên lửa vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ, bất chấp việc Tổng thống Biden và các lãnh đạo phương Tây đưa tàu chiến đến khu vực.
“Ông ấy đáng lẽ nên phản ứng nhanh hơn và quyết liệt hơn trước những cuộc tấn công của các lực lượng đại diện”, Michael 'Mick' Mulroy, cựu trợ lý bộ trưởng quốc phòng Mỹ về Trung Đông thời chính quyền ông Donald Trump, nhận xét.
Việc Israel dọa đưa quân vào Li-băng và gây áp lực lên lực lượng Hezbollah cho đến khi hàng ngàn người dân Israel được trở về nhà của họ ở miền bắc cho thấy cuộc khủng hoảng sẽ tiếp tục kéo dài và nghiêm trọng.
Quỹ đạo cuộc khủng hoảng ở Li-băng mang những hàm ý không chỉ với di sản đối ngoại của Tổng thống Biden mà ảnh hưởng đến cả chiến dịch tranh cử của Phó Tổng thống Kamala Harris. Một số cử tri tiến bộ của đảng Dân chủ đang rất giận dữ với sự ủng hộ của Mỹ dành cho Israel.