Tuy nhiên, các nhà khoa học Mỹ và trên khắp thế giới và Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (USFDA) khẳng định rằng không có bằng chứng đáng tin cậy để khẳng định COVID-19 có thể lây qua đường này.
“Sau hơn 1 năm từ khi COVID-19 được tuyên bố là đại dịch toàn cầu, chúng tôi nhấn mạnh rằng không có bằng chứng đáng tin cậy nào để khẳng định thực phẩm và việc đóng gói thực phẩm liên quan điến hoặc có thể là nguồn lây bệnh”, lãnh đạo FDA và Bộ Nông nghiệp Mỹ nói trong tuyên bố chung đưa ra ngày 18/2.
Rất ít quốc gia lo ngại về nguồn lây lan này, vì SARS-CoV-2 được biết đến là lây lan chủ yếu qua giọt nước li ti trong không khí.
Nhưng ở Trung Quốc, hàng triệu thùng thực phẩm đông lạnh được nước này khử trùng trước khi nhập khẩu. Hàng trăm ngàn mẫu xét nghiệm được thực hiện để phát hiệu dấu vết virus. Các công ty thực phẩm nước ngoài không thực hiện yêu cầu này sẽ bị cấm cửa.
Giới chức y tế Trung Quốc nói rằng nhiều công nhân thực phẩm nước này mắc bệnh vì tiếp xúc với cá hồi, cá tuyết và thủ lợn đông lạnh nhiễm bệnh. Tôm từ Ả-rập Xê-út, cherry từ Chile, kem làm từ bột sữa của Ukraine là một số mặt hàng nhập khẩu bị báo chí địa phương nhấn mạnh nguy cơ.
Nhưng các nhà khoa học trên khắp thế giới nói rằng không có bằng chứng rõ ràng để khẳng định những bệnh nhân ở Trung Quốc bị lây khi xử lý thực phẩm. Các chuyên gia nói rằng điều này có thể xảy ra trên lý thuyết, nhưng cực kỳ nhỏ.
“Xem xét hơn 100 triệu ca mắc COVID-19, chúng tôi chưa thấy bằng chứng dịch tễ để khẳng định thực phẩm hay quy trình đóng gói thực phẩm là nguồn lây SARS-CoV-2 cho con người”, quyền Bộ trưởng nông nghiệp Mỹ Kevin Shea và quyền giám đốc FDA Janet Woodcock khẳng định.