Muôn màu cộng tác viên Tiền Phong

TP - Đối với báo Tiền Phong, từ “cộng tác viên” là một chữ khá “thiêng liêng”. Khi chúng tôi được giới thiệu ai đó là “cộng tác viên của báo Tiền Phong” thì lập tức xem đó như “người nhà”.

Có lần tôi nhận được lá thư của độc giả nữ viết: “Nhà báo ơi, em rất mất phương hướng vì chồng em mới xét nghiệm dương tính với HIV. Em không muốn sống nữa, nhưng nghĩ đến hai đứa con. Xin nhà báo cho em lời khuyên”. Tôi đã phải nhờ người bạn thân làm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tuyên truyền phòng chống HIV đưa ra các lời khuyên cho bạn đọc ấy. Cô viết thư nói: “Cảm ơn nhà báo và chuyên gia, em đã vượt qua được giai đoạn khó khăn rồi”.

Vào thời kỳ đổi mới, báo phát hành có lúc lên tới 250.000 bản mỗi kỳ, lực lượng cộng tác viên rất đông và chính họ đưa lại nhiều thông tin và bài viết nóng hổi từ các địa phương. Vào những năm 1990, rất nhiều cây viết, trong đó có tôi, từ chỗ là cộng tác viên ăn lương rồi dần chuyển đổi cơ quan, về làm việc tại trụ sở 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội.

Vào những năm 1990 thì việc biên chế hay không biên chế vẫn còn khá nặng nề đối với từng gia đình, nhưng sau hai lần nhận được “công văn xin người” của báo Tiền Phong, tôi đã rời vị trí một biên chế để về làm việc với tòa soạn với tư cách phóng viên hợp đồng ngắn hạn, rồi dài hạn. Có lẽ đó không phải việc hy hữu.

Tôi nhớ có lần đi công tác cùng Tổng biên tập Dương Xuân Nam vào lúc ấy, tới tỉnh nào ông cũng yêu cầu được gặp các cộng tác viên. Có nhiều người từ vùng núi cao, huyện xa, lặn lội về gặp nhau. Món quà của tòa soạn chỉ đủ tiền ăn ở, tàu xe cho cộng tác viên, nhưng tình cảm vấn vít. Có lẽ cũng nhờ tài “công tác viên vận” khéo mà anh Dương Xuân Nam và tòa soạn đã mời được anh Võ Minh Châu, một nhà giáo, nhà văn ở Hà Tĩnh đầu quân làm phóng viên cho Tiền Phong dù rằng lúc ấy anh nói với tôi đang “dùng dằng nửa ở nửa đi, nửa muốn làm báo nửa còn muốn làm văn”.

Muôn màu cộng tác viên Tiền Phong ảnh 1

Khánh Ly và Trịnh Công Sơn Ảnh: Tư liệu.

Có một dạo, đặc sản truyện ngắn trên Tiền Phong chính là truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp. Nhà văn nổi tiếng là người rất khó tính. Song, ông vui vẻ làm cộng tác viên cho Tiền Phong, sẵn sàng gửi truyện bất kỳ lúc nào báo cần là nhờ cách làm việc cởi mở của báo. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng nói: “Tôi rất quý ông Dương Xuân Nam và nhà báo Dương Phương Vinh, những người thường đặt truyện, duyệt đăng truyện của Nguyễn Huy Thiệp mà không cắt chữ nào”.

Khi nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mở Nhà hàng Hoa Ban, ông gọi tôi, nhờ đặt mỗi ngày hàng trăm tờ báo, chỉ để tặng thực khách. Khách đến ăn ở nhà hàng của ông, lúc về ai cũng cầm theo một tờ Tiền Phong!

Một dạo, tôi viết và biên tập các câu hỏi trong mục “Nhà thơ Thanh Thảo trả lời” mà cộng tác viên chính là nhà thơ Thanh Thảo. Lối viết của anh Thanh Thảo luôn tươi trẻ, mới mẻ. Mỗi tuần anh lại trả lời một vài câu hỏi về nhân tình thế thái bằng ngòi bút dí dỏm. Một lần, tôi vào Quảng Ngãi thăm anh, thấy anh cởi trần giữa trời nắng trưa trong khu tập thể, gõ bằng máy chữ để gửi bài cho Tiền Phong.

Muôn màu cộng tác viên Tiền Phong ảnh 2

Nhà báo Trần Nguyên Anh tác nghiệp tại Hàn Quốc năm 2002

Cộng tác viên của báo đôi khi có cả những nhà báo nổi tiếng, điển hình là anh Tường Vy, một cây viết thể thao cự phách. Khi tôi làm việc biệt phái ở Tiền Phong Chủ Nhật, cứ cuối tuần là nhận được một trang thể thao do anh Tường Vy viết và đặt bài. Anh gọi cho tôi, hỏi: “Ok chưa em?”. Trang báo anh tổ chức vừa sinh động về thời sự vừa có những bài phân tích thể thao rất cá tính và thuyết phục, chất lượng các số đồng đều.

Nhạc sĩ Trần Tiến viết nhiều bài cho báo Tết Tiền Phong. Anh có thói quen viết mỗi ngày, nhưng có bài đăng trên Tiền Phong Tết anh mừng lắm. Anh gọi cho tôi: “Báo em vừa ra đã hết, em có cách gì mua giùm cho anh 30 tờ báo Tết để tặng cho bạn bè không?”. Chúng tôi vét sạch tòa soạn mới được vài chục tờ để gửi anh trước giờ giao thừa.

Khi tôi đặt bài ca sĩ Khánh Ly, cô đang ở Mỹ, bận lắm, nhưng cũng bảo: “Ai chứ báo Tiền Phong đặt bài thì khó mấy Khánh Ly cũng viết ngay. Chờ vài ngày là có bài nhé Tiền Phong”. Quả đúng y hẹn, ca sĩ Khánh Ly gửi tôi bài viết dài mấy ngàn chữ!

Ca sĩ Elvis Phương khi nhận trả lời phỏng vấn thì trực tiếp viết vào giấy để gửi cho Tiền Phong, kèm theo cả lời cảm ơn nồng nhiệt! Anh cho biết đã lâu anh không trả lời phỏng vấn báo chí, nhưng với Tiền Phong, anh sẵn sàng chia sẻ.

Một tờ báo thời sự, chính trị, dành cho giới trẻ nhưng tòa soạn Tiền Phong là “mái nhà” mỗi ngày của rất nhiều nghệ sĩ, nhà văn, các nhà khoa học, các doanh nhân, cả các vận động viên, cầu thủ… Khi tôi làm việc tại Ban Phóng sự cùng anh Xuân Ba, anh Mạnh Việt, trong phòng có điếu cày của anh Xuân Ba. Nhiều nhà văn, nhà thơ thường ghé để trải nghiệm hút thuốc lào! Câu chuyện báo chí văn chương kéo từ tòa soạn ra tới hàng cây hoa sữa với hàng chè chén cột điện.

Có những chuyên mục do cộng tác viên phụ trách nhưng đã thành thương hiệu của báo, đó là mục Tầm thư “gỡ rối tơ lòng” của nhà thơ nhà báo Trần Hòa Bình. Tôi vẫn nhớ mái tóc bồng bềnh và nụ cười rất duyên của nhà báo Trần Hòa Bình.

Có lần tôi nhận được lá thư của độc giả nữ viết: “Nhà báo ơi, em rất mất phương hướng vì chồng em mới xét nghiệm dương tính với HIV. Em không muốn sống nữa, nhưng nghĩ đến hai đứa con. Xin nhà báo cho em lời khuyên”. Tôi đã phải nhờ người bạn thân làm lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và tuyên truyền phòng chống HIV đưa ra các lời khuyên cho bạn đọc ấy. Cô viết thư nói: “Cảm ơn nhà báo và chuyên gia, em đã vượt qua được giai đoạn khó khăn rồi”.

Những chuyên mục do chính các bạn trẻ viết đó là mục Kết bạn, nơi rất nhiều gia đình Việt được hình thành và đi theo năm tháng. Tôi không quên chuyến đi công tác Trường Sa, có những đảo nhận mấy trăm lá thư Kết bạn của các bạn khắp cả nước gửi cho bộ đội Trường Sa. Đó là nguồn động viên cổ vũ lớn lao cho người lính đảo.

Rất nhiều bài viết được khởi nguồn từ Ban Bạn đọc, nơi hàng ngày nhận hàng trăm thư, đơn của bạn đọc gửi cho tòa soạn nhờ Tiền Phong lên tiếng.

Khi tôi đi đó đây, viết nhiều phóng sự, hàng tháng cũng nhận được rất nhiều thư bạn đọc gửi về cho cá nhân tôi. Họ là những “cộng tác viên” vô danh và âm thầm của người viết, bởi họ cung cấp nhiều thông tin, những nhận xét chân tình về các bài báo.

Một lần, tôi nhận được lá thư một bạn đọc viết: “Nhà báo ơi, lần đầu tiên quê em được lên báo, nhưng đó lại là một bài báo viết về tiêu cực của nạn phá rừng. Mọi người chẳng biết nên buồn hay nên vui. Dù sao cũng cám ơn nhà báo đã nói lên sự thật. Chỉ mong rằng một ngày nào đó, những tiêu cực trên quê em sẽ hết và nhà báo sẽ trở về để viết bài vui tươi hơn về mảnh đất quê em”.

Mười năm sau, tôi theo địa chỉ để trở lại vùng đất ấy. Tôi được biết người viết lá thư đã thành một cô giáo và đang dạy ở vùng sâu.

Quê của cô không còn nạn phá rừng nữa, ngược lại, những đồi trọc cháy đen năm xưa nay xanh rì cây cối. Muông thú trở về mỗi lúc một nhiều hơn.

Tôi đã ngồi dưới dưới rừng cây, viết một bài phóng sự về chuyện hồi sinh của vùng đất xa xôi. Câu chuyện về những lâm tặc nay thành người trồng rừng đưa tôi đi thăm vườn ươm.

Nhiều người nói bài viết của tôi cũng vẫn giữ được sự chân thực và nhiều cảm xúc, nhưng tôi không biết độc giả năm xưa viết thư cho tôi, nay cô đi dạy nơi bản nhỏ, cô có biết và đọc bài viết mới của tôi hay không?

6/2023