Quy trình 4 bước, phí gia nhập 6,5 tỷ đồng
Xét theo vốn hoá, Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau sàn New York (NYSE). Nasdaq chia ra 3 sàn có cấp độ khác nhau theo thứ tự từ thấp đến cao và mức độ nghiêm ngặt về tiêu chuẩn tăng dần.
Nasdaq là sàn giao dịch chứng khoán lớn thứ 2 thế giới. |
Vừa qua, "tân binh" Việt Nam Vinfast niêm yết trên sàn có yêu cầu nghiêm ngặt nhất, là Nasdaq Global Select Market. Sàn này hiện có gần 1.480 doanh nghiệp niêm yết, gồm nhiều tập đoàn lớn như Meta Platforms, Apple, Amazon, Alphabet, Netflix.
Theo hướng dẫn Nasdaq công bố hồi tháng 1, để được chấp thuận niêm yết trên sàn, doanh nghiệp phải trải qua quy trình gồm 4 bước kéo dài 4-6 tuần. Quá trình này có thể thay đổi, thậm chí rút ngắn nếu hồ sơ không có vấn đề gì, và doanh nghiệp phản hồi nhanh các nhận xét. Thủ tục thực hiện trực tuyến, qua trung tâm niêm yết của sàn.
Hai loại phí cơ bản mà một doanh nghiệp niêm yết phải đóng cho Nasdaq là phí gia nhập và phí hằng năm, theo cấp thị trường.
Doanh nghiệp niêm yết trên thị trường Nasdaq Global Select Market và Nasdaq Global Market đóng ban đầu 270.000 USD (khoảng 6,5 tỷ VND), trong đó bao gồm 25.000 USD phí đăng ký. Phí hằng năm phụ thuộc vào số cổ phần trên sàn.
Đủ điều kiện, có thể vẫn bị từ chối
“Dù cổ phiếu của một công ty đáp ứng tất cả các tiêu chí được liệt kê để lên sàn, nhưng Nasdaq có thể từ chối niêm yết hoặc áp dụng các điều kiện bổ sung nếu cần để bảo vệ các nhà đầu tư và lợi ích công cộng”, Nasdaq cho biết.
Trước Vinfast, VNG, một số doanh nghiệp trong nước cũng có kế hoạch lên sàn quốc tế. Sàn thương mại điện tử Tiki của Việt Nam cũng có ý tưởng này, và đã thành lập pháp nhân Tiki Global tại Singapore. Tuy nhiên, cũng có những doanh nghiệp đã phải dừng chân trước tham vọng này, như FLC với Bamboo Airways, hay Thaiholdings cùng Thaispace... dang dở kế hoạch niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Vinfast vừa niêm yết trên Nasdaq Global Select Market, cũng là sàn VNG nộp hồ sơ IPO. |
Tiêu chí để được niêm yết trên Nasdaq Global Select Market, nơi Vinfast vừa lên sàn và VNG nộp hồ sơ đăng ký phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) chia thành 2 hợp phần gồm tài chính và thanh khoản.
Theo đó, doanh nghiệp cần đáp ứng tất cả các tiêu chí thuộc ít nhất 1 trong 4 bộ tiêu chuẩn về tài chính. Ví dụ về lợi nhuận, doanh nghiệp cần có tổng lợi nhuận trước thuế của 3 năm tài chính gần nhất tối thiểu là 11 triệu USD, không năm nào lỗ.
Nếu xét về tài sản và vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải có vốn hoá đạt 160 triệu USD, tổng tài sản 80 triệu USD và vốn cổ đông 55 triệu USD. Ngoài ra, tiêu chí về vốn hoá - dòng tiền, vốn hoá - doanh thu cũng được xét đến.
Về thanh khoản, tiêu chí doanh nghiệp cần đạt để IPO là số cổ đông lô chẵn từ 450 người hoặc tổng số cổ đông từ 2.200 người, số lượng cổ phiếu đang lưu hành từ 1,25 triệu và giá trị thị trường của số cổ phiếu lưu hành từ 45 triệu USD. Ngoài ra, doanh nghiệp còn phải đáp ứng các yêu cầu về quản trị doanh nghiệp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu nhận định, Nasdaq là một trong những sàn chứng khoán có yêu cầu niêm yết nghiêm ngặt nhất hiện nay.
"Lựa chọn thị trường chứng khoán lớn ngay trong lần đầu vươn ra thế giới cho thấy khát vọng, triển vọng của những doanh nghiệp như Vinfast, VNG. Đây là bước tiến đáng kể, có sự chuẩn bị kỹ càng của doanh nghiệp", ông Hiếu phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, việc cạnh tranh trên sàn quốc tế "khó tính" như Nasdaq sẽ rất khốc liệt.
"Doanh nghiệp trong nước lên sàn ngoại gọi vốn, rất cần được khuyến khích, bước đầu có thể tham gia các thị trường khu vực, như Hong Kong, Singapore, sau đó vươn xa hơn. Tuy nhiên, trước hết, doanh nghiệp cần khẳng định mình ở thị trường trong nước, hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế, công khai, minh bạch, có xếp hạng tín nhiệm", ông Hiếu dành lời khuyến nghị cho những doanh nghiệp muốn IPO quốc tế.