Muốn được đi nước ngoài nhiều thì học ngành nào?

Muốn được đi nước ngoài nhiều thì học ngành nào?
TPO - Trong bối cảnh hội nhập như hiện nay, học ngành nào để có cơ hội làm việc ở môi trường quốc tế được nhiều thí sinh quan tâm.

Hỏi: Em thích được làm việc trong môi trường quốc tế và đi nước ngoài nhiều. Em băn khoăn chọn giữa học luật thương mại quốc tế và kinh tế quốc tế thì hướng về bên nào hơn? (benango...@gmail.com)

Trả lời:

Trước hết cần phải hiểu hai ngành học này là như thế nào.
Luật thương mại quốc tế là một chuyên ngành của luật kinh tế, nó cung cấp những kiến thức cơ bản về việc điều chỉnh các hoạt động mua bán hàng hóa, giao dịch thương mại và bảo hiểm quốc tế.

Luật thương mại quốc tế là một hệ thống điều chỉnh các đối tượng kinh tế trong 2 trường hợp:
Các mối quan hệ thương mại được phát sinh giữa các quốc gia;
Các mối quan hệ thương mại được phát sinh giữa các chủ thể ở 2 quốc gia khác nhau.

Trong nền kinh tế đang hội nhập, nhiều công ty, doanh nghiệp trong nước có cơ hội tham gia, kí kết hợp đồng với nước ngoài, nhà nước tạo điều kiện cho hoạt động xuất nhập khẩu, luật thương mại quốc tế đóng vai trò vô cùng quan trọng, giống như một kim chỉ nang cho các doanh nghiệp thực hiện các hoạt động kinh doanh mà không bị cản trở bởi các rào cản pháp lý, hay sự khác biệt về luật định giữa các quốc gia.

Còn Kinh tế quốc tế (tiếng Anh là International Economics) là một bộ môn khoa học, một chuyên ngành của kinh tế học nghiên cứu sự phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế giữa các quốc gia. Đây là một lĩnh vực năng động và mang tính toàn cầu thuộc nhóm ngành kinh doanh, cung cấp những kiến thức chung về quản trị kinh doanh, về chiến thuật, chiến lược kinh doanh xuyên quốc gia.

Theo học ngành này, sinh viên còn được học các kiến thức về luật quốc tế và môi trường Kinh tế quốc tế, quản trị nguồn nhân lực quốc tế, hoạt động hậu cần Kinh tế quốc tế và xuất - nhập khẩu, nghiên cứu thị trường, xây dựng chương trình truyền thông và hệ thống phân phối quốc tế, kỹ năng giao tiếp và đàm phán quốc tế, cùng nghiệp vụ về thanh toán quốc tế, bảo hiểm ngoại thương, cách thức xâm nhập thị trường nước ngoài…

Có thể nói, hai ngành này đều liên quan đến kinh tế và môi trường làm việc nước ngoài.

Tuy nhiên theo ThS. Nguyễn Thanh Huyền, đang làm nghiên cứu sinh tại Mỹ thì vấn đề được làm việc trong môi trường quốc tế và đi nước ngoài nhiều hay ít không phụ thuộc vào ngành học; Mà phụ thuộc vào tính chất công việc cũng như tổ chức sau này sinh viên lựa chọn làm việc.

Chính vì vậy, khi lựa chọn ngành nghề, cần tìm hiểu kỹ về ngành muốn học, cân nhắc năng lực của bản thân và tài chính của gia đình để lựa chọn phù hợp.

Bạn đọc, thí sinh có thắc mắc, nhu cầu tư vấn tuyển sinh vào các trường ĐH năm 2020, xin gửi câu hỏi về cho chuyên mục Giáo dục, Báo Tiền phong điện tử theo địa chỉ hộp thư: online@baotienphong.com.vn. 

MỚI - NÓNG