Thứ nhất, cuộc cải tổ lần này đã loại được người cần phải “hy sinh” là Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou, kiến trúc sư của chương trình “thắt lưng buộc bụng” không được lòng dân mà Hy Lạp buộc phải thực hiện để đổi lấy gói cứu trợ của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) hồi năm ngoái.
Thứ hai, cuộc cải tổ này làm dịu căng thẳng trong Đảng Xã hội (PASOK) cầm quyền mà nhờ đó nhiều khả năng chính phủ của Thủ tướng Papandreou sẽ vượt qua được cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm vào thứ Ba tới.
Tiếp đó, kế hoạch cắt giảm chi tiêu hơn 28 tỷ euro (40 tỷ USD) mà Chính phủ đệ trình sẽ có nhiều cơ hội được thông qua tại Quốc hội. Và cuối cùng, các chủ nợ qua đó cũng thấy được cam kết mạnh mẽ của Hy Lạp để ra tay cứu trợ.
Trên thực tế, Hy Lạp không còn nhiều thời gian để đối phó với nguy cơ vỡ nợ và họ không còn cách nào khác phải tuân thủ nghiêm ngặt yêu cầu của EU và IMF để tránh núi nợ đổ sụp. Trước khi tiến hành cải tổ nội các, Thủ tướng Papandreou đã phải công bố một chương trình tiết kiệm chi tiêu mới trong 5 năm, chủ yếu tập trung vào các biện pháp tăng thuế, cắt giảm chi công và tư nhân hóa mạnh mẽ tài sản Nhà nước.
Ngay sau khi Hy Lạp cải tổ nội các, Nhà Trắng đã có ngay tuyên bố hoan nghênh quyết tâm của Chính phủ Thủ tướng Papandreou đã thực hiện những bước đi cần thiết để chèo lái đất nước này vượt qua những thách thức tài chính hiện nay. Trong khi đó, lãnh đạo Pháp và Đức, hai đầu tàu trong khối sử dụng đồng tiền chung euro đã cùng ra lời kêu gọi nhanh chóng thông qua gói cứu trợ lần thứ hai cho Hy Lạp.
Tân Bộ trưởng Tài chính Evangelos Venizelos, từng tu nghiệp tại Pháp, được hy vọng không đi vào vết xe đổ của người tiền nhiệm. Tuy vậy, người ta vẫn chưa biết được ông sẽ có phép màu nào giúp Hy Lạp qua cơn bĩ cực hiện nay.