Đường cao tốc H-3 hay còn gọi là xa lộ John A. Burns, được biết đến như xa lộ đẹp nhất nhưng cũng gây tranh cãi nhất ở Hawaii. Hoàn thành vào năm 1997, cao tốc H-3 dài gần 26 km nối căn cứ hải quân Trân Châu Cảng ở Pu’uloa, bờ biển phía nam O’ahu với căn cứ thủy quân lục chiến ở bán đảo Mokapu, bờ biển phía đông O’ahu. Ảnh: X3.
Xa lộ H-3 bắt đầu tại giao điểm Hālawa với hai đường cao tốc khác là H-1 và H-201 rồi chạy dọc cầu cạn bắc qua thung lũng Hālawa khoảng 10 km. Sau đó, H-3 đi qua nhiều đường hầm xuyên núi Ko’olau rồi chạy tiếp qua cây cầu cạn khác dọc thung lũng Haiku cho tới thị trấn Kaneohe, giao điểm Halekou và kết thúc tại căn cứ thủy quân lục chiến đặt ở Hawaii. Ảnh: Mari Cadaoas.
Đường cao tốc H-3 đi qua những nơi có phong cảnh tuyệt đẹp như từ đầu hướng gió Oahu hay thung lũng Halawa. Thực tế, rất nhiều người khi đi qua đoạn đường này đã phải đi chậm lại hoặc thậm chí dừng hoàn toàn để thưởng thức vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên, gây ra không ít nguy hiểm cho giao thông. Ảnh: Michael Keany.
Chỉ thị xây dựng tuyến đường được cấp vào năm 1960 nhưng công việc không thể bắt đầu cho đến cuối những năm 1980 do vấp phải sự phản đối dữ dội từ những nhà hoạt động môi trường, mong muốn bảo vệ tự nhiên và đặc tính độc đáo của vùng nông thôn Hawaii. Những khiếu nại về môi trường và rào cản pháp lý đã khiến công trình phải dừng xây dựng tại nhiều điểm. Ảnh: Igor Stepanov.
Cuối cùng, trong một động thái chưa từng có, xa lộ H-3 được Thượng nghị sĩ Daniel Inouye đề xuất thẳng lên Nghị viện, trở thành con đường nằm ngoại lệ của mọi bộ luật môi trường và thông qua vào tháng 10/1986. Ngay sau đó, một loạt hành động tòa án triển khai để phản đối quyết định, nhưng phán quyết cuối cùng lại cho phép công việc xây dựng được tiếp tục. Ảnh: Scott Sharick.
Không chỉ gây tranh cãi, H-3 cũng đồng thời là đường cao tốc đắt nhất từng được xây dựng với chi phí lên tới 1,3 tỷ USD, ước tính 80 triệu USD cho mỗi 1,6 km đường. H-3 bao gồm một trung tâm hoạt động giao thông hiện đại bậc nhất, theo dõi tình trạng giao thông trong hầm hay phát hiện xe hỏng hóc, các vụ cháy xe hay tai nạn. Ảnh: Michael Keany.
Người điều hành giao thông thậm chí có thể ghi đè lên sóng AM, FM và tần số vô tuyến 2 chiều để truyền tải tin nhắn tới các phương tiện lưu thông trong hầm. Ngoài ra, đường hầm được lắp đặt nhiều tính năng công nghệ cao khác như đèn chiếu sáng chuyển đổi, quạt hút khí thải, hộp điện thoại khẩn cấp, lỗ lọc không khí, hộp cứu hỏa, máy phát hiện từ trường, máy dò CO2, thiết bị báo cháy, tín hiệu giao thông, camera và trạm thời tiết… Ảnh: Da Spark.