Mua nhà vẫn 'ngán' lãi suất

Mua nhà vẫn 'ngán' lãi suất
Một số ngân hàng cho biết đang bắt đầu mở van tín dụng bất động sản (BĐS) nhắm vào các đối tượng không nằm trong diện bị hạn chế. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia BĐS cho rằng thị trường này vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc trong năm nay.
Mua nhà vẫn 'ngán' lãi suất ảnh 1
Ảnh: Minh họa

Sau chỉ thị 01 của Ngân hàng (NH) Nhà nước, nhiều NH đã lên kế hoạch phân bổ tín dụng cho năm 2012. Ngoài các lĩnh vực ưu tiên, nhiều NH cũng chú trọng đến phân khúc khách hàng cá nhân, đặc biệt người có nhu cầu mua nhà để ở.

Ông Đỗ Minh Toàn, phó tổng giám đốc NH Á Châu (ACB), cho biết đang thiết kế lại sản phẩm cho cá nhân vay mua nhà để ở theo hướng giảm bớt gánh nặng trả nợ cho người vay trong thời điểm lãi suất cao như hiện nay. Thời hạn cho vay của sản phẩm này tối đa là 10 năm, trong đó phần nợ gốc người vay phải trả hằng tháng sẽ không chia đều cho toàn bộ thời gian vay như trước đây, mà trong hai năm đầu phần gốc phải trả hằng tháng sẽ ít hơn để người vay có sức “gồng” lãi suất.

Những năm sau khi lãi suất cho vay đã hạ nhiệt, NH sẽ phân bổ trả nợ gốc nhiều hơn. “Giá nhà đang rẻ nhưng người vay lại ngán lãi suất. Do vậy NH đưa ra sản phẩm này nhằm giảm bớt gánh nặng cho người đi vay” - ông Toàn nói. Hiện nay dư nợ tín dụng thuộc lĩnh vực không ưu tiên mới chiếm khoảng 13% tổng dư nợ nên ACB vẫn còn hạn mức để cho vay. Riêng với dự án BĐS, NH không xem xét cho vay mà chỉ tập trung thu nợ những khoản tín dụng đã phát sinh từ năm 2008.

Ông Nguyễn Phước Thanh, tổng giám đốc NH Vietcombank, cho biết hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2012 khoảng 35.000 tỉ đồng, trong đó 15.000 tỉ đồng được dành cho các lĩnh vực ưu tiên như sản xuất kinh doanh, vay nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu...; 10.000 tỉ đồng cho vay các dự án theo cam kết; 10.000 tỉ đồng còn lại dành cho vay cá nhân, trong đó chú trọng đối tượng có nhu cầu vay mua nhà để ở, vay tiêu dùng, vay kinh doanh. “Năm 2012 Vietcombank đặt mục tiêu nâng tỉ lệ cho vay khách hàng cá nhân lên cao hơn so với mức hiện nay. NH cũng không lo bị hạn chế tín dụng phi sản xuất do hiện nay tỉ lệ dư nợ nhóm này mới chiếm khoảng 9% dư nợ” - ông Thanh nói.

Ông Thanh cho biết lợi thế cạnh tranh của NH là lãi suất thấp. Ông vừa ký quyết định giảm lãi suất cho vay áp dụng từ ngày 15-2: lãi suất cho vay doanh nghiệp chỉ 15-16%/năm, cho vay cá nhân 17-18%. Với các dự án BĐS đã cam kết trong năm 2012, NH sẽ tiếp tục giải ngân để chủ đầu tư có điều kiện hoàn thiện sản phẩm đưa ra thị trường, thu hồi vốn.

Trong khi đó tại các NH nhỏ, nguồn vốn cho BĐS nói chung và cho vay mua nhà để ở khá hạn hẹp. Tổng giám đốc một NH nhỏ tại quận 1, TP.HCM cho biết dù còn hạn mức nhưng NH sẽ hạn chế cho vay mua nhà do khó cân đối kỳ hạn. Hiện khách hàng chỉ gửi kỳ hạn 2 tuần đến 1 tháng, trong khi nhu cầu vay mua nhà thường từ 5-10 năm, thậm chí 15 năm.

Trở ngại là lãi suất cao

Mặc dù chính sách tín dụng BĐS được cho là sẽ “dễ thở” hơn trong giai đoạn tới, khi một số đối tượng thuộc lĩnh vực này như người có nhu cầu mua nhà ở thật sự, các công trình nhà ở sắp hoàn thiện..., nhưng nhiều chuyên gia cho rằng thị trường BĐS năm nay vẫn chưa có nhiều tín hiệu khởi sắc, thậm chí còn khó khăn hơn.

“Thị trường BĐS năm nay sẽ vẫn cực kỳ khó khăn...” - ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, nhấn mạnh. Theo ông Châu, với tốc độ tăng trưởng tín dụng bị khống chế ở mức thấp và kiểm soát chặt, không những các chủ đầu tư dự án khó có khả năng tiếp cận vốn, mà những cá nhân có nhu cầu mua nhà để ở thật sự cũng không có nhiều cơ hội.

Chuyên gia Đinh Thế Hiển cũng cho rằng sẽ có rất ít khả năng thị trường BĐS khởi sắc trong năm nay do nguồn tiền hạn chế, thanh khoản kém. Theo ông Hiển, với lãi suất vẫn còn quá cao như hiện nay, người có nhu cầu nhà ở thật sự cũng không dám vay, ngay cả khi được tạo điều kiện tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Cùng chia sẻ quan điểm này, ông Lê Hồng Phúc - chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhà Việt - cho rằng nhiều người sẽ chọn giải pháp thuê nhà thay vì vay thêm tiền để mua nhà, một khi lãi suất tiếp tục duy trì ở mức xấp xỉ 20%/năm như hiện nay.

Theo ông Phúc, với số vốn ban đầu 500 triệu đồng, để mua một căn nhà phố nhỏ loại nát hoặc căn hộ chung cư hai phòng ngủ ở khu vực nội thành hiện nay với mức giá xấp xỉ 1,5 tỉ đồng, người dân phải vay thêm 1 tỉ đồng. Với lãi suất 20%/năm như hiện nay, mỗi năm họ phải chi ra 200 triệu tiền lãi, chưa kể tiền gốc. Trong khi đó nếu đi thuê nhà với mức giá 3-5 triệu đồng/tháng, tức từ 36-60 triệu đồng/năm, chi phí họ bỏ ra thấp hơn nhiều.

Theo Á.Hồng – H.Đăng
Tuổi trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG