Miền Trung và ĐBSCL:
Mưa lớn hoành hành, lũ tiếp tục lên
> Lũ đầu nguồn sông Cửu Long tiếp tục lên
> Giỡn mặt với tử thần
Lũ sông Mekong lên lại
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn T.Ư, trong đợt lũ này, mực nước trên các sông từ Hà Tĩnh đến Bình Định và khu vực Tây Nguyên có khả năng lên mức báo động 1 đến báo động 2, có nơi trên báo động 2. Đáng chú ý là nguy cơ tái xuất hiện lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng vùng trũng các tỉnh trên.
Ngoài ra, một vùng áp thấp vừa hình thành ở Biển Đông và lại nhằm hướng miền Trung. Chiều 10-10, vị trí trung tâm vùng áp thấp cách bờ biển các tỉnh từ Quảng Bình đến Thừa Thiên-Huế khoảng 550 km. Dự kiến, hôm nay, vùng áp thấp di chuyển theo hướng giữa tây và tây tây bắc, gây mưa rào và dông rải rác ở khu vực bắc và giữa Biển Đông, có thể có lốc xoáy và gió giật mạnh.
Vẫn theo Trung tâm DBKTTVTƯ, hiện lũ trung và hạ nguồn sông Mekong trên lãnh thổ Lào và Campuchia đang lên lại. Do lũ thượng nguồn về kết hợp với kỳ triều cường, trong những ngày tới, lũ đầu nguồn sông Tiền và sông Hậu, vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tứ giác Long Xuyên (TGLX) tiếp tục lên chậm và duy trì ở mức rất cao.
Quảng Nam: 3 hộ dân lòng hồ thủy điện bị ngập
Tin từ UBND huyện Nam Trà My (Quảng Nam) cho biết, những ngày qua, mưa lớn làm nước tại lòng hồ Thủy điện sông Tranh 2 dâng cao. Đến sáng 10–10, nước lòng hồ gây ngập 3/10 hộ dân tại xã Trà Dơn. Đây là những hộ dân chưa chịu nhận tiền đền bù, di dời khỏi lòng hồ thủy điện.
Ông Lê Đức Hảo - Chủ tịch xã Trà Dơn, cho biết: Nước lòng hồ thủy điện sông Tranh lên nhanh khiến 10 hộ với 28 nhân khẩu nằm dưới cao trình 162m đối diện với nguy cơ ngập nặng. Xã đã huy động hơn 20 người cùng phương tiện của Cty Thủy điện sông Tranh vận động các hộ dân khẩn trương di dời. Tuy nhiên, đến chiều ngày 10 -10 chỉ mới có 1 hộ chịu di dời.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Chánh văn phòng BCH PCLB tỉnh: UBND tỉnh, BCH PCLB đã có công văn yêu cầu huyện phối hợp với Cty Thủy điện Sông Tranh khẩn trương tổ chức vân động, di dời theo phương án của tỉnh, không để thiệt hại về người
Phú Yên: Mưa lớn, giao thông tê liệt
Trong hai ngày 9 và 10-10 trên địa bàn huyện Đồng Xuân (Phú Yên) có mưa lớn, nước lũ từ thượng nguồn đổ về dồn dập gây chia cắt nhiều vùng. Khoảng 17 giờ ngày 9-10, trong khi vận chuyển hơn 20 tấn bột sắn từ nhà máy tinh bột sắn Đồng Xuân qua đường tránh cầu Sông Cô, xe tải 78C 00717 bất ngờ sụp hố nằm bất động, có nguy cơ bị cuốn trôi nếu trời tiếp tục mưa. Hàng chục xe tải chở sắn chạy lũ về nhà máy cũng phải đứng bánh chờ nước rút. Tuy nhiên do nước chảy xiết cuốn theo hàng chục tấn đất đá, cây cối phá hỏng đường tránh và cáp quang điện thoại qua cầu, sẽ gây ách tắc giao thông nhiều ngày, nhất là đối với phương tiện vận chuyển sắn về nhà máy.
Hiện nước qua cầu Sông Cô vẫn tiếp tục dâng nhanh và chảy xiết, đã gây sạt lở nghiêm trọng theo kiểu hầm ếch đường dẫn hai đầu cầu đang được xây dựng và tiếp tục ăn sâu, có thể cuốn phăng toàn bộ để trơ cây cầu giữa dòng nước xoáy.
Đồng Tháp: Gần 90.000 học sinh chưa thể đến trường
Lũ ở khu vực đầu nguồn thuộc các huyện Hồng Ngự, Tân Hồng và TX.Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp đang lên trở lại với mức 4-5cm/ngày, trong khi đó vùng hạ nguồn nước lũ cũng đang lên nhanh đe dọa tính mạng và tài sản người dân. Khoảng 8h30 sáng ngày 10-10, một đoạn đê bao dài 80m tại ấp Long Hòa, xã Long Thuận, huyện Hồng Ngự bị vỡ. Chính quyền địa phương đã huy động trên 300 người, trưng dụng một sà lan chở cát và 2 xáng cạp đang hoạt động gần đó đến ứng cứu, đến 14 giờ chiều đoạn đê mới được tạm hàn gắn.
Ông Kha Văn Luyến, Phó Chủ tịch UBND xã Long Thuận cho biết, thời gian qua, trên địa bàn xã liên tục xảy ra tình trạng sạn lở từ phía sông Tiền. Nhiều đoạn sóng đánh bay gần 2 km đường nhựa, ăn sâu vào 25m.
Còn theo báo cáo của Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp, tính đến ngày 10-10, trên địa bàn tỉnh vẫn còn 89.452 học sinh các bậc học của 8/12 huyện, thị chưa thể đến trường do ngập lụt. Tình hình học sinh nghỉ học có thể sẽ còn kéo dài do nước lũ còn tiếp tục dâng cao, rút chậm. Tính đến ngày 10-10, lũ lụt đã gây thiệt hại cho tỉnh Đồng Tháp trên 762 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 14.947 căn nhà bị ngập, gần 20.000 ha lúa đông xuân nằm trong đê bao tiếp tục bị đe dọa.