> Không giấy phép vẫn mua bán vàng miếng vô tư
> Mua bán vàng miếng không đúng chỗ sẽ bị phạt
Từ cửa khẩu quốc tế Hà Tiên (Kiên Giang) đến tỉnh lỵ Kampot của Campuchia chừng 50 km. Chợ trung tâm tỉnh lỵ khá lớn, bề ngoài nhiều nét giống các chợ cũ ở ĐBSCL của Việt Nam, những dãy nhà mái ngói dài và thấp, hàng quán lụp xụp, xe vận tải thô sơ. Bên trong, ẩm thấp, lối đi chật hẹp lênh láng nước giữa những quầy sạp san sát.
Bên ngoài chợ Kampot. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Qua khu bán rau, trước mắt hiện ra một vùng sáng lấp lánh: Khu mua bán vàng bạc. Quầy kệ cao ráo, tủ kính san sát, tuy nhiên bên trên vẫn chung mái nhà thấp, bên dưới vẫn chung lối đi chật hẹp của cả ngôi chợ. Quầy vàng bạc kê san sát như ? quầy rau, mua bán cũng đơn giản như bên khu mua bán rau.
Ông Chia Xăng, một người trong tổ chức tương tự ban quản lý chợ ở Việt Nam, cho biết, cả thảy có 24 quầy vàng bạc. Bà Lin, chủ quầy vàng bạc ở đầu dãy, nói: “Nhiều người bán nên lời lãi không nhiều nhưng cũng sống được, như những người bán rau quả vậy thôi”.
Đi vào trong càng thấy cảnh mua bán vàng bạc giản đơn. Một chị chủ quầy người gầy gò đang giới thiệu chiếc nhẫn vàng với khách là cô gái trẻ xinh xắn. Chị chủ quầy giới thiệu tên là Piêng Líc, quầy của chị vào loại nhỏ ở chợ, vốn liếng không lớn, đêm khoá tủ, về nhà.
Bàn của thợ kim hoàn có chồng tô chén đũa ly sau bữa ăn. |
Ngay phía sau quầy vàng bạc, có nhiều thợ kim hoàn đang làm việc bên những chiếc bàn gỗ nhỏ xếp đầy kìm, kéo, mỏ hàn xì và cơ man dụng cụ khác.
Thợ kim hoàn đủ lứa tuổi, nơi ngồi làm việc rất chật chội tựa hồ không xoay trở được. Bàn của một thợ kim hoàn còn đặt cả chồng tô chén đũa ly sau bữa ăn, nom nhếch nhác, không khác gì bên quầy bán rau cỏ.
Thấy khách Việt Nam ngạc nhiên về nơi mua bán vàng bạc đơn sơ, ông Chia Xăng giải thích, người Campuchia thích đeo vàng bạc trang sức nên việc mua bán phát triển.
“Vàng bạc trang sức là hàng hoá bình dân thì mua bán phải đơn sơ cho thuận tiện, nhưng chúng tôi quan tâm bảo vệ, chưa để xảy ra vụ trộm cướp nào”, ông Chia Xăng nói thêm.