Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba

0:00 / 0:00
0:00
TP - “Nhà máy Nghệ thuật” có không khí rất trẻ trung hiện đại, nơi diễn ra các hoạt động văn hoá nghệ thuật đương đại, cách tân. Du khách nước ngoài thích thú và ngạc nhiên khi thấy một diện mạo văn hoá hoàn toàn khác biệt với ấn tượng về một xã hội tương đối khép kín và còn rất nhiều khó khăn ở Cuba.

Khi nghe cái tên “Nhà máy Nghệ thuật” ở La Habana, trong trí nhớ của tôi bỗng bật ra chuyện mấy cái hội thảo ở Hà Nội đã bàn đi bàn lại về việc tận dụng những cơ sở công nghiệp cũ để làm không gian sáng tạo cho các hoạ sĩ, nhạc sĩ, nhà thơ kiêm không gian triển lãm, trao đổi buôn bán các sản phẩm văn hoá. Nhưng mãi vẫn chỉ là mong muốn, ý tưởng thế thôi chứ ta chưa làm nổi.

Thế nhưng Cuba làm được, làm rất hay. Mà từ hơn 10 năm rồi.

Câu lạc bộ đêm trong nhà máy dầu ăn cũ

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 1

Nhà máy nghệ thuật Cuba

Fábrica de Arte Cubano, nằm ở rìa khu Vedado, giáp với ngoại ô La Habana là một địa chỉ được các trang du lịch đề cử là nơi cần phải trải nghiệm khi đến Cuba.

Fábrica de Arte Cubano (còn được gọi là Fábrica de Arte hoặc F.A.C) là một tổ hợp nghệ thuật, cũng là một câu lạc bộ đêm nổi tiếng ở thủ đô Cuba. Các phòng trưng bày và sân khấu được kiến tạo bên trong một nhà máy sản xuất dầu ăn trước đây. Một số phương tiện truyền thông đã mô tả địa điểm này như một biểu tượng cho “sự mở cửa nhanh chóng của Cuba với thế giới”. Đến nay, dù bị cấm vận trở lại, F.A.C vẫn sôi động từ cuối chiều cho đến quá nửa đêm.

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 2

Nhiếp ảnh gia Enrique Rottenberg

Chúng tôi xếp vào cuối hàng người dài. Vào đây không phải trình hộ chiếu nhưng mấy anh bảo vệ to cao đề nghị mở túi để họ ngó. “Ở đây an ninh nghiêm lắm, họ kiểm soát vũ khí, chất cấm và cũng không cho mang đồ ăn vào đâu”, người bạn người Cuba đồng hành với tôi bảo.

Vé vào cửa là 250 peso, không cao với người nước ngoài nhưng cũng là cao với đa số người dân Cuba. Mất tấm vé này phải đền 5.000 peso. Vì sao xin được nói sau.

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 3

Họa sĩ Carlos Quintana

Không gian bên trong được thiết kế với nhiều hành lang như đường hầm. Dọc tường treo tranh ảnh kiểu triển lãm mini, cũng là nơi bán tranh như phố Nguyễn Thái Học ở Hà Nội. Thỉnh thoảng không gian mở ra, xuất hiện một cửa hàng bán đồ lưu niệm, thời trang, nước hoa… Không có cảnh mời chào kéo khách, thậm chí vài nơi không có người trông. Cần gì thì gọi điện thoại. Qua mấy đường hầm này, mở ra mấy không gian chiếu phim, diễn kịch… lên tầng trên là phòng triển lãm chính, nơi học khiêu vũ đương đại…

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 4

Tác phẩm trong triển lãm của Carlos Quintana và Enrique Rottenberg

“Đó là trung tâm văn hóa xuất sắc ở Havana, hội họa, điêu khắc, điện ảnh, thiết kế - Andrei F, đến từ Santiago de Cali, Colombia nói. Quê hương anh là một “thành phố salsa”, nơi vũ điệu salsa là một phần không thể thiếu “và tin hay không thì tùy. Tôi đã muốn nhảy salsa ở Cuba nhưng nghĩ là không thể. Và rồi tôi đã thoả nguyện ở đây”. “Nếu bạn muốn trải nghiệm mojitos, daiquiris, cuba libre (những loại rượu Cocktail nổi tiếng của Cuba – PV) và ba kiểu tiệc đêm trong một nhà máy cũ đã được chuyển đổi, thì đây chắc chắn là địa điểm bạn cần”, anh nói thêm.

Nhà máy sản xuất dầu ăn, nơi được tái cấu trúc thành La Fábrica de Arte hôm nay được xây dựng vào năm 1910. Cột ống khói và những phần kiến trúc đặc trưng vẫn được giữ nguyên. Nét cổ và hiện đại hoà trộn tạo nên một phong vị lạ giữa lãng mạn và thô ráp. Từ năm 2008, một nhóm nghệ sĩ và nhạc sĩ Cuba bắt đầu tìm kiếm một địa điểm nơi nghệ thuật có thể được trưng bày dưới nhiều hình thức khác nhau. Chỉ hai năm sau, 2010, họ được phép sử dụng nhà máy đã đóng cửa này. Khánh thành vào tháng 2 năm 2014, nó đã trở thành điểm gặp gỡ của người dân trên quốc đảo và người nước ngoài.

Frabrupe đến từ Madrid, Tây Ban Nha nói: “Nơi này mở cửa cho tất cả mọi người, nhưng cuốn hút hơn cả là những người trẻ và khách du lịch. Vé vào cửa 250 peso Cuba, chỉ hơn 1euro”.

Chúng tôi dạo qua 4 phòng với các thể loại âm nhạc khác nhau. Thanh niên tụ tập đông ở chỗ có ban nhạc Rock. Chỉ 3 người vừa chơi nhạc vừa hát, họ chơi thể loại âm nhạc ồn và nặng (hard rock). Không gian nhạc kết hợp Cuba-Cádiz được nhiều du khách thích. Đi qua một cánh cửa ngách, bỗng thấy mấy nhân vật trang phục và trang điểm rất lạ mắt. Hoá ra đó là hậu trường của phòng diễn kịch.

Không chỉ dành cho người lớn, ở đây có các lớp mùa hè dành cho trẻ em, học về văn hóa dân gian, nghệ thuật tạo hình và múa đương đại. Còn hôm nay, chúng tôi được xem một lớp múa đương đại dành cho thanh niên. Trong tiếng nhạc đậm đặc chất Cuba, khoảng hơn 20 người thực hiện những động tác uốn mình, vung tay cùng với những bước đi rất phức tạp nhưng biến ảo, quyến rũ.

Nghe nhạc/khiêu vũ, xem triển lãm mệt nghỉ, du khách có thể uống bia, cà phê, ăn bánh sandwich nhẹ hoặc dùng một bữa đầy đủ kiểu Cuba hoặc kiểu châu Âu ở một trong nhiều nhà hàng xinh xắn - cái nào cũng có sân trời và có chỗ để được hút thuốc thoải mái.

Cô Rachel có biệt danh Hevort (quay cuồng), nhà ở gần Nhà máy nghệ thuật thì cho rằng đây là nơi “bắt buộc phải thăm!”. Cô hào hứng: “Nếu có thể tặng thêm một ngôi sao nữa cho nơi đã mang đến cho tôi rất nhiều đêm vui vẻ thì tôi chắc chắn sẽ làm như vậy”.

XEM TRIỂN LÃM CỦA HAI NGƯỜI “BỊ QUỶ ÁM”

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 5

Một đoạn “hầm” trở thành nơi triển lãm ảnh nghệ thuật

Triển lãm của hoạ sĩ Carlos Quintana và nhiếp ảnh gia Enrique Rottenberg hiện đang diễn ra tại Nhà máy Nghệ thuật. Nó là một triển lãm lưu động, đã diễn ra ở nhiều nước. Chúng tôi rất ấn tượng, nếu như không muốn nói là “sốc” với triển lãm này. Câu chuyện về triển lãm này không hướng nhiều đến lý luận nghệ thuật xa vời, khó hiểu; mà mong muốn của người viết là thông qua công việc, thân phận của nghệ sĩ, hầu mong bạn đọc hiểu thêm về con người và nghệ thuật đặc biệt của quốc đảo Cuba.

Một tối vui chơi ở 'Nhà máy Nghệ thuật' Cuba ảnh 6

Thanh niên và du khách khiêu vũ với nhạc sống

Cái chữ “bị quỷ ám” là của Rafael Acosta De Arriba - người giới thiệu triển lãm này: “Cả hai nghệ sĩ đều bị quỷ ám, những người kiểm soát nỗi ám ảnh của mình (mặc dù đôi khi người ta nhận thấy họ thiếu kiểm soát) và họ nói với chúng ta rằng nghệ thuật là một trò chơi rất nghiêm túc và không có vui chơi thì không có nghệ thuật”.

Những tác phẩm ở đây hình thành từ ý tưởng khá kỳ quặc với người “bình thường”, Carlos chọn một nhóm ảnh của Enrique và Enrique in chúng trên vải để Quintana có thể can thiệp bằng bút vẽ của mình. Nôm na là vẽ lên trên ảnh, mà toàn những bức ảnh được in ra với khổ rất lớn.

Enrique Rottenberg là một nghệ sĩ (ngoài nhiếp ảnh còn làm đạo diễn phim), một nhà văn và là doanh nhân. Cả 3 lĩnh vực đều nổi tiếng!

Tác phẩm nhiếp ảnh của Enrique Rottenberg luôn gây tranh cãi trên toàn thế giới, nó có sự châm biếm, hưng cảm pha lẫn u sầu. Thậm chí có người cho rằng có yếu tố khiêu dâm, đáng báo động... Nó quyến rũ nhưng gây căng thẳng, tạo tiếng cười cùng nỗi đau, vẻ đẹp và sự kinh dị. Nó đưa ra ánh sáng mọi thứ được dự định giữ bí mật.

Còn Carlos Quintana là một trong những nghệ sĩ tiêu biểu của nghệ thuật đương đại Cuba. Ông cơ bản là tự học. Những bức tranh mãnh liệt của ông biểu thị một năng lực sáng tạo đặc biệt, đặc trưng bởi tính độc đáo và kỳ dị.

Nhà phê bình nghệ thuật Francois Vallee viết: “Trong tay Carlos Quintana, mỗi bức tranh trở thành một sinh vật gồm những thành phần bí ẩn, những hình tượng sống động bồng bềnh, kỳ dị, những hình thức chưa từng có”.

Cả hai là những nghệ sĩ được thế giới biết đến, tác phẩm có giá trị cao. Lại nôm na là bán được nhiều tiền…

Carlos Quintana vẽ trên những bề mặt khổng lồ và ngoài cọ thì dùng tay phết sơn, nhỏ hoặc vẩy, bắn lên toan. Sự tinh tế trong nét vẽ được thể hiện rõ trong các tác phẩm của tác giả này. Những cái đầu trên khay và những khuôn mặt biến thái, thường mang hơi hướng châu Á, và đôi khi đề cập đến bản chất của con người và các tôn giáo Châu Phi-Cuba. Tranh của ông hội tụ những vấn đề vừa thực tế vừa huyền bí.

Carlos Quintana đã tham gia nhiều triển lãm kể từ năm 1984. Các tác phẩm của ông đã được trưng bày ở các quốc gia như Argentina, Canada, Trung Quốc, Costa Rica, Tây Ban Nha, Hoa Kỳ, Ý, Mexico, Peru, Cộng hòa Dominica, Thụy Sĩ và Venezuela. Ông được chú ý trong các sự kiện quan trọng như Hội chợ nghệ thuật đương đại Basel (Thụy Sĩ), Hội chợ nghệ thuật Mỹ Latinh Miami, Art Chicago, ARCO (Hội chợ nghệ thuật đương đại quốc tế), Các Bảo tàng nghệ thuật Havana và quốc gia (Cuba).

Trở lại với nghệ sĩ và doanh nhân Enrique Rottenberg. Sinh năm 1948, sự nghiệp nghệ thuật cũng đa dạng như bản sắc dân tộc của ông. Sinh ra ở Argentina vào năm 1948, có cha mẹ là người Do Thái gốc Ba Lan, ông di cư một mình đến Israel năm 13 tuổi.

Sau khi phục vụ trong quân đội Israel, ông đã phát triển công việc kinh doanh bất động sản thành công, đồng thời, bắt đầu từ năm 1980, ông bắt đầu sản xuất phim và theo học tại Trường Camera Obscura ở Tel Aviv. Ông có nhiều phim nổi tiếng; là đạo diễn và biên kịch của bộ phim Revenge of Itzik Finkelstein, giành được bảy giải thưởng từ Học viện Điện ảnh Israel (bao gồm Phim hay nhất, Đạo diễn xuất sắc nhất và Kịch bản hay nhất) và đại diện cho Israel tại giải Oscar năm 1994.

Năm 1993, ông đến Cuba nơi ông hiện đang sinh sống. Ở Cuba, ông đã xây dựng Trung tâm Thương mại Miramar, một khu phức hợp kinh doanh lớn ở thành phố Lahabana mà ông vẫn điều hành cho đến ngày nay. Tại trung tâm này, ông tạo ra một bộ sưu tập nghệ thuật Cuba có giá trị quan trọng.

Ông viết một cuốn tiểu thuyết in ở Tây Ban Nha, năm 2006. Ở Cuba, năm 2010, loạt ảnh đầu tiên “Ngủ với...” (Dormir con) của ông đã được trưng bày tại Thư viện Ảnh Cuba (Bảo tàng Nhiếp ảnh Quốc gia), hiện được tổ chức này sưu tập. Loạt ảnh này cũng được công nhận bởi Discoveries of PhotoEspana năm 2011. Sau đó là rất nhiều tác phẩm gây dư luận ở Cuba và trên thế giới.

Enrique Rottenberg hợp tác với dự án văn hóa “Nhà máy nghệ thuật Cuba”, với mục đích thúc đẩy sự phát triển của nhiếp ảnh và nghệ thuật thị giác đương đại ở Cuba.

* * *

Thăm “Nhà máy Nghệ thuật” thực sự vui, nhưng cũng thực sự mệt. Quá nhiều ấn tượng với những điều mới mẻ. Khi chúng tôi rời địa chỉ nghệ thuật này, đêm đã về khuya. Lúc này mới chợt hiểu ra công dụng của tấm vé giá trị cao nhận khi vào cửa. Hoá ra, tất cả những gì bạn tiêu thụ đều được ghi trên thẻ này và khi bạn rời đi là lúc họ tính tiền cho tất cả các dịch vụ bạn đã dùng. Khi ở bên trong “Nhà máy Nghệ thuật”, tôi thấy ở nhà hàng và vài chỗ bán đồ lưu niệm đều ghi cả vào thẻ mà không phải trả tiền tại chỗ. Một cách quản lý rất thông minh.

MỚI - NÓNG