Một phút cho đời đẹp hơn
“Các chấm nổi này thay cho chữ cái, bạn cứ ghép lại là thành chữ”, “Rồi, rờ tay lên các chấm phải không, có lẽ vài lần là sẽ nhớ”...
Phút trải nghiệm của một bạn trẻ học thủ ngữ (phải). Ảnh: Tự Trung |
“Bây giờ viết nhé, tay này cầm cái đục, bảng khuôn đặt lên giấy, cứ một ô là sáu chấm”, “Được rồi”, “Giờ bắt đầu. Bạn chấm lỗ lõm xuống giấy và đọc ở bề nổi bên kia, nên khi chấm xuống chúng ta chấm chữ từ phải sang trái, và làm ngược với bảng chữ mẫu nhé”...
“Ôi trời, sao lại khó như vậy!”. Cô gái rên lên rồi... mở to mắt, dò dẫm đục từng chấm. Một phút mới xong cái tên mình, hỉ hả nhấc tờ giấy lên, sờ tay sang mặt bên kia, dò theo những cái chấm. “Ôi nhầm rồi, sai mất một chữ!”, xịu mặt xuống làm lại. Lần thứ hai, lần thứ ba mới thật đúng. Cô dừng lại lau mồ hôi trán, sực nhớ mình chưa nhắm mắt lại được giây nào khi tập viết chữ Braille.
Bên kia, một chàng trai cũng rớm mồ hôi sau khi hì hục hơn năm phút với cái xe lăn để lăn đi mười mét trên đường định sẵn. Bên kia nữa mấy bạn trẻ vây quanh cô giáo Dương Phương Hạnh, cố gắng uốn cong cong bàn tay, mở tròn miệng để ra hiệu bằng thủ ngữ: “I love you”.
Ấy là những hình ảnh ghi được ở sân chơi Một phút trải nghiệm trong chương trình Ánh sáng và niềm tin lần 8 do nhóm tình nguyện Những ước mơ xanh tổ chức sáng 15-4 tại TP.HCM.
Chỉ một lát, rồi mọi người đều đứng lên, giơ hai ngón tay hình chữ V, cười thật tươi làm điệu chụp ảnh bên bảng chữ Braille, bên chiếc xe lăn, bên cô giáo thủ ngữ, thở phào với vài phút thử làm người khác: một người khuyết tật mà mình vừa trải qua. Được đưa cuốn sổ đề nghị ghi cảm tưởng, những suy tư nghiêm túc trở lại. Có bạn cắn bút suy nghĩ, có bạn ngoái nhìn một lần nữa những dụng cụ đơn giản vừa cho mình một trải nghiệm đặc biệt, có bạn lặng lẽ chạy vào sân khấu tìm một chỗ giữa các em học sinh khuyết tật.
Rồi trong cuốn sổ của Những ước mơ xanh xuất hiện dày những dòng trăn trở: “Đi xe lăn không khó lắm, nhưng đi cả đời thì...”, “Chữ nổi khó quá, đọc đã khó rồi mà còn phải viết ngược lại nữa. Khâm phục các bạn khiếm thị biết bao nhiêu”, “Viết chữ nổi khó, thủ ngữ khó, lăn xe cũng khó, vậy mà những người khuyết tật lại viết được, trao đổi được, đi được, học và làm việc không thua gì mình. Mình thật là may mắn được thừa mắt, thừa giọng nói, thừa tay chân khỏe mạnh. Mình phải làm được nhiều việc hơn”, “Nên nhân rộng chương trình này hơn nữa, nếu mỗi người đều dừng lại làm một phút trải nghiệm như vậy, cuộc sống này chắc sẽ đẹp hơn”...
Với các bạn ấy, đời hẳn đã đẹp hơn sau một phút.
Theo P.Vũ
Tuổi Trẻ